Đoàn viên thanh niên tham quan, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Khu lưu niệm. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Lê Hồng Phong là một trong những người cộng sản lớp đầu tiên của cách mạng Việt Nam, là Tổng Bí thư của Đảng và là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Đi theo cách mạng từ những ngày đầu tiên đầy cam go, thử thách, bằng tâm huyết, trí tuệ của mình, đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc.

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6-9-1902 trong một gia đình nông dân tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống yêu nước với nhiều sĩ phu nổi tiếng, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân cơ cực dưới ách thống trị của quân đô hộ, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi dưỡng trong mình ý chí làm cách mạng.

Nhận thấy không thể tiếp tục làm cách mạng bằng con đường bạo động thiếu tổ chức, Lê Hồng Phong quyết chí đi tìm cho mình một lý tưởng để có thể thỏa mãn chí khí cách mạng. Quá trình hoạt động cách mạng, Lê Hồng Phong đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ Chủ nghĩa Mác-Lênin và nhanh chóng nhận ra đây mới thực sự là lý tưởng mà mình tìm kiếm. Lê Hồng Phong trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo lớp đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn thể hiện là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, tấm gương sáng về học tập và rèn luyện không ngừng. Đồng chí để lại dấu ấn quan trọng trong các giai đoạn của cách mạng.

Tiêu biểu là trong những năm 1930-1935, nhất là khi Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) thất bại, địch khủng bố dã man, đẩy phong trào cách mạng Việt Nam vào giai đoạn vô cùng khó khăn. Hàng nghìn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ yêu nước bị bắn giết hoặc tù đày. Các cơ sở đảng từ Trung ương đến địa phương bị tan vỡ, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng bị bắt hoặc bị sát hại, như: Tổng Bí thư Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh... Thực dân Pháp ở Đông Dương câu kết với đế quốc Anh ở Hương Cảng và bọn quân phiệt ở Trung Quốc, Thái Lan, truy lùng cán bộ của Đảng ta đang hoạt động ở ngoài nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng bị bắt ở Hồng Công.

Cuối năm 1931, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Lê Hồng Phong nhận trọng trách từ Quốc tế Cộng sản trở về nước chỉ đạo việc tổ chức khôi phục và phát triển các cơ sở đảng, tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên. Đầu năm 1932, đồng chí về đến gần biên giới Việt-Trung và bắt liên lạc được với chi bộ đảng đang hoạt động bí mật ở Nam Ninh (Quảng Tây). Với sự giúp đỡ của chi bộ đảng do đồng chí Hoàng Đình Giong làm bí thư, đồng chí Lê Hồng Phong về Long Châu (một thị trấn nhỏ sát biên giới Việt-Trung), tổ chức lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cơ sở, gây ảnh hưởng của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng, từ đó mở đường liên lạc về trong nước. Tại đây, đồng chí Lê Hồng Phong liên tục mở các lớp huấn luyện cho cán bộ từ trong nước sang học tập, có những đồng chí sau đó trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong, Lương Văn Chi.

Đến cuối năm 1932, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Hồng Phong, Ban lãnh đạo lâm thời của Đảng được thành lập. Ban lãnh đạo thống nhất chủ trương tuyên truyền, học tập và hành động theo nội dung của bản kế hoạch “Chương trình hành động của Đảng” do Lê Hồng Phong tham gia soạn thảo và được Quốc tế Cộng sản thông qua. "Chương trình hành động của Đảng" là một văn kiện chính trị quan trọng mang tính chất của một cương lĩnh, đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng đề ra từ trước; đánh giá cao những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng Đông Dương; vạch ra kế hoạch, phương pháp hướng dẫn cán bộ, đảng viên nêu cao dũng khí đấu tranh, tin tưởng sức mạnh của nhân dân, giữ vững vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, chú ý học tập kinh nghiệm thực tiễn, sửa chữa sai lầm... để củng cố Đảng, phát triển các đoàn thể quần chúng cách mạng.

Từ cuối năm 1935, tình hình chính trị ở Pháp và Đông Dương diễn ra hết sức mau lẹ với nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn. Ngay sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, với tư cách Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản, đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào ngày 26-7-1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc); chỉ đạo hội nghị tập trung vào việc nghiên cứu quán triệt các nghị quyết mới của Quốc tế Cộng sản, vận dụng vào hoàn cảnh thực tế để điều chỉnh chiến lược, sách lược cho phù hợp với tình hình hiện tại. Theo đề nghị của đồng chí Lê Hồng Phong, hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương, bao gồm các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau và các dân tộc ở Đông Dương để đấu tranh đòi những quyền dân chủ sơ đẳng. Dưới ánh sáng của nghị quyết hội nghị, phong trào đòi dân chủ, dân sinh lan rộng khắp Đông Dương. Mở đầu là phong trào Đông Dương Đại hội với hàng trăm ủy ban hành động được thành lập ở các nơi. Các cuộc biểu tình, bãi công đòi dân chủ, dân sinh, đòi thả tù chính trị diễn ra sôi nổi.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trong nước đòi hỏi cần có sự thảo luận để tìm ra phương thức đấu tranh thực sự sát thực, vì vậy, cuối năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động bí mật tại Sài Gòn trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, từ ngày 29 đến 30-3-1938, tại làng Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định, Hội nghị Trung ương Đảng đã được tổ chức.

Hội nghị đã phân tích tình hình, nhận định rõ những khuyết điểm trên các mặt của công tác Đảng, để đẩy mạnh phong trào đòi dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống, đồng chí Lê Hồng Phong cùng với Hội nghị Trung ương Đảng quyết định chuyển Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương nhằm tranh thủ hơn nữa mọi lực lượng có thể tranh thủ, tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân tham gia cách mạng.

Không chỉ trực tiếp tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong còn tích cực viết nhiều tác phẩm để truyền bá lý luận cho cán bộ, đảng viên của Đảng và nhân dân. Các tác phẩm tiêu biểu của đồng chí như: Tình hình kinh tế và chính trị ở Đông Dương (1931); Nhận xét của Hải An (1933); Vai trò của giai cấp vô sản trong cách mạng Đông Dương (1935); Về công tác trong 3 năm qua và tình hình Đảng Cộng sản Đông Dương (1935); Sách lược mới và tổ chức quần chúng (1937); Bài học trong kỳ tuyển cử Hội đồng quản hạt (1939); Thảo luận với anh Nguyễn Văn Tạo về bài Đảng lập hiến có bị quần chúng đánh đổ không? (1939); Vấn đề phòng thủ Đông Dương (1939); Phú Nghệ An đỏ (1940). Các tác phẩm của đồng chí góp phần trực tiếp vào công tác lãnh đạo và phát triển lý luận của Đảng ta.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Hồng Phong luôn luôn tự học; gắn lý luận với thực tiễn. Kể từ khi bước chân vào con đường cách mạng, đồng chí đã tận dụng mọi cơ hội để học tập, nâng cao trình độ cả về chính trị, quân sự. Trải qua các trường đào tạo khác nhau ở Trung Quốc, Liên Xô, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc, được kết nạp Đảng ở cả hai nước ngay khi đang học tập trong các nhà trường. Khi đi vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, dù công việc của Đảng luôn bộn bề, cấp bách, đồng chí vẫn không ngừng nỗ lực tự học, đồng thời vận dụng những kiến thức đã học được vào thực tiễn cách mạng. Kiến thức, kinh nghiệm mà đồng chí tích lũy được đã góp ích rất lớn cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong đó, đặc biệt là những kiến thức về việc gây dựng phong trào, kiến thiết tổ chức đảng các cấp và kết nối, thống nhất các tổ chức đảng dưới sự lãnh đạo của Trung ương.

Đồng chí Lê Hồng Phong cũng là một tấm gương mẫu mực về phương pháp cách mạng. Không chỉ sử dụng hiệu quả các phương pháp để gây dựng lại phong trào cách mạng trong nước trong bối cảnh bị thực dân Pháp khủng bố nặng nề, đồng chí Lê Hồng Phong còn rất mềm dẻo, khéo léo, linh hoạt để kết nối cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Trong bối cảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị Quốc tế Cộng sản hiểu lầm mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, đồng chí Lê Hồng Phong từng bước xây dựng và gìn giữ lòng tin của Quốc tế Cộng sản với phong trào cách mạng Việt Nam, giúp cho cách mạng Việt Nam luôn kết nối chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới, nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Cùng với các đồng chí trong thế hệ cán bộ đầu tiên của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc kiến tạo nên nền móng vững chắc cho cách mạng Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”(1). Những đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng Việt Nam sẽ mãi mãi được ghi dấu đậm nét trong những trang sử vàng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.

---------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.2011, tr.25

Đại tá, PGS, TS LÊ XUÂN THỦY, Chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị