Bàn về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình với kiến nghị cần phải quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước, không để thất thoát, đảm bảo tính hiệu quả trong việc đầu tư vào các công trình lớn, công trình trọng điểm của đất nước. Ngoài ra các đại biểu cũng đồng ý với quan điểm cần phải có quỹ ngoài ngân sách, song cần thu hẹp các quỹ, quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự tập trung của ngân sách, tránh sự chồng chéo trong quản lý và cần phải báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi của các quỹ.
Đối với dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Các đại biểu cho rằng cần phải đặt ra những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu cơ quan dân cử trong dự thảo Luật nhằm nâng cao chất lượng đại biểu. Nếu nội dung này được quy định ngay trong dự thảo luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cử tri để biết được quyền của mình. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử; điều kiện thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân...
Ngày 4-6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội-Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội sẽ trực tiếp chất vấn đối với bốn vị Bộ trưởng gồm Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình chất vấn các vị Bộ trưởng, trưởng ngành khác có liên quan sẽ tham gia giải trình thêm những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Sau khi các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Dự kiến phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 11-6, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Hoàng Linh