PV: Thưa đồng chí, trong kỳ họp lần này, việc sửa đổi Luật Nhà ở là một trong những nội dung được dư luận và cử tri hết sức quan tâm, liệu việc sửa đổi Luật trong thời điểm hiện tại có hợp lý không?
Đồng chí Phùng Khắc Đăng: Nhà ở và vấn đề nhà ở đối với người dân có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời con người; chả thế mà các cụ xưa mới có câu “an cư lạc nghiệp”. Luật Nhà ở ra đời đã đáp ứng được phần lớn nguyện vọng của người dân. Luật đã qua 9 năm thực hiện đã thấy rõ những ưu điểm và hạn chế nên việc sửa đổi và bổ sung là cần thiết để phù hợp với tình hình mới. Ví như luật hiện hành chưa có quy định yêu cầu các cấp chính quyền phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là quỹ đất dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, làm mất cân đối cung, cầu về nhà ở, thiếu nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp nhưng lại dư thừa nhà ở loại cao cấp. Giá nhà tăng cao cộng với tình trạng đầu cơ, kích giá, tạo giá ảo cao hơn nhiều giá trị thực, vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận tầng lớp dân cư trong xã hội. Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng thì thị trường nhà đất rơi vào tình trạng trầm lắng, dư thừa lớn gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải bổ sung thêm trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận vào luật, đồng chí đánh giá thế nào?
Đồng chí Phùng Khắc Đăng: Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi hoàn toàn nhất trí với việc bổ sung thêm điều này vào Luật Nhà ở nhằm nâng cao vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc tham gia phản biện các chính sách, pháp luật về nhà ở, giám sát việc thực hiện chính sách đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách pháp luật về nhà ở. Tuy nhiên, để MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tôi đề nghị bổ sung quy định các cơ quan, tổ chức tạo cơ chế, điều kiện để MTTQ và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện chính sách pháp luật về nhà ở.

PV: Luật Bảo vệ môi trường là một trong những nội dung được cử tri quan tâm và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đại bộ phận người dân, đồng chí nhận xét như thế nào về Dự thảo Luật sửa đổi lần này?
Đồng chí Phùng Khắc Đăng: Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu thực thi hành từ ngày 1-7-2006. Sau 8 năm thi hành, Luật đã đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên qua tổng kết, đánh giá 8 năm thi hành Luật Bảo vệ môi trường còn nổi lên một số tồn tại, bất cập. Những tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường đòi hỏi cần sớm được khắc phục. Mặt khác, nhiều vấn đề mới nảy sinh như tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trương, an ninh sinh thái đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường cần phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá. Một số quan điểm, chủ trương, chính sách mới, quan trọng của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường mới được ban hành, thể hiện tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 3-6-2013, Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đòi hỏi pháp luật bảo vệ môi trường phải sớm được cập nhật, bổ sung.
Trước bức xúc của dư luận xã hội về việc phải có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Luật cần bổ sung quy định về hàng rào kỹ thuật đối với phế liệu nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng để nhập chất thải vào Việt Nam có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, tránh để Việt Nam biến thành bãi rác thải của thế giới. Khoản 1, Điều 82 quy định “Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định”. Như vậy nếu Luật được thông qua thì vẫn phải chờ văn bản của Thủ tướng Chính phủ thì mới có thể thực hiện được việc bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện được rất nhiều doanh nghiệp nhập rác thải về Việt Nam nhưng không xác định được danh tính doanh nghiệp cụ thể để xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp này. Điều này chứng tỏ những quy định của pháp luật hiện nay về việc nhập khẩu phế liệu còn rất nhiều kẽ hở nhưng Luật Bảo vệ môi trường mới nếu được ban hành cũng chưa khắc phục ngay được những kẽ hở này.

PV: Trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, tại Chương XV đã đưa thêm vào quy định về quyền và nghĩa vụ của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội CCB Việt Nam, điều đó có thực sự đem lại hiệu quả cao đối với công tác bảo vệ môi trường?
Đồng chí Phùng Khắc Đăng: Tôi cho rằng việc có Chương XV trong Luật Bảo vệ môi trường là rất hợp lý. Trên thực tế, từ nhiều năm qua Hội CCB Việt Nam cũng đã và đang tích cực tham gia trong các phong trào, các hoạt động bảo vệ môi trường từ T.Ư đến địa phương mang lại kết quả rất thiết thực nhất là trong công tác tuyên truyền việc bảo vệ môi trường đến người dân và kêu gọi, giáo dục thế hệ trẻ cùng tham gia.
Trong Chương XV của Luật Bảo vệ môi trường có các Điều 152, 153, 154 quy định trách nhiệm và quyền hạn của MTTQ, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên các quy định này vẫn còn chung chung, chưa cụ thể để có tính khả thi, các đối tượng này vẫn chưa có điều kiện tiếp cận được với thông tin, báo cáo về tác động của môi trường. Tôi cho rằng luật cần phải cụ thể hơn nữa, đặc biệt là trong việc các chủ dự án phải công bố công khai các báo cáo đánh giá tác động môi trường để các tổ chức và cộng đồng dân cư có thể giám sát xem các biện pháp bảo vệ môi trường đã được thực hiện trong thực tế chưa.
Còn ở Chương XIV về “Trách nhiện của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường” không thấy quy định về trách nhiệm của cảnh sát bảo vệ môi trường. Trên thực tế thì cảnh sát bảo vệ môi trường có vai trò và trách nhiệm rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Vì vậy, tôi đã đề nghị nên có quy định về cảnh sát môi trường cũng như cơ chế phối hợp với các cơ quan hữu quan trong luật để có cơ sở pháp lý hoạt động hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ môi trường.

PV: Xin cám ơn đồng chí.
Hoàng Linh (thực hiện)