“Khối u” nợ xấu
Các đại biểu cho rằng để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế và tạo được niềm tin đối với người dân thì phải ngay lập tức tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, giải quyết triệt để tình trạng nợ xấu. Việc Chính phủ trình ra Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, cần sớm được ban hành để giúp kinh tế phát triển.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đánh giá trong thời gian qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực, dám nghĩ, dám làm, bước đầu đã đạt được hiệu quả, khởi sắc trên một số lĩnh vực, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường tiếp xúc với các doanh nghiệp... Tuy nhiên việc giải quyết nợ xấu không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà trước hết cần rà soát, đánh giá lại tổng số nợ xấu chính xác là bao nhiêu; đồng thời, tìm ra được nguyên nhân, phân tích, đánh giá lý do khách quan, chủ quan của tình trạng nợ xấu... có như vậy mới xử lý được vấn đề một cách triệt để nhất.
Đánh giá về vấn đề nợ công đại biểu Trần Hoàng Ngân (T.P Hồ Chí Minh) cho rằng Luật Quản lý nợ công còn nhiều vấn đề bất cập liên quan đến nợ công, nợ xấu, nợ quốc gia, nợ nước ngoài… Theo thống kê, số lượng nợ công cuối năm 2010 chỉ vào khoảng 51% GDP nhưng hiện tại con số đó đã lên tới 64,9%, đó là điều thực sự đáng lo ngại. Nợ xấu hiện nay không còn là “cục máu đông” mà trở thành “khối u”, do đó phải nhanh chóng có những giải pháp để giải quyết triệt để, tránh lây lan làm ách tắc thị trường tiền tệ. Một nguyên nhân rất lớn đó là do nguồn vốn được Chính phủ vay về để thực hiện những dự án quan trọng nhưng nhiều dự án không phát huy được hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản. Khoản nợ này chuyển thành nợ xấu và đã tạo thành áp lực rất lớn cho nền kinh tế quốc gia.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (T.P Hà Nội) cho rằng nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, nhưng chưa bị thu hồi do cơ quan chức năng chưa thực sự kiên quyết thực thi theo đúng quy định. Cần phải có những biện pháp xử phạt cương quyết, xử lý về mặt kinh tế để buộc nhà đầu tư buộc phải tìm cách đẩy nhanh tiến độ hoặc chuyển đổi cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn, có như vậy mới tránh được tình trạng đầu tư tràn lan, bất chấp hiệu quả, gây ra những lãng phí lớn cho nền kinh tế...

Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu
Trong các buổi thảo luận tiếp theo, việc xử lý nợ xấu, nợ công vẫn là vấn đề được các đại biểu quan tâm và cho nhiều ý kiến nhất. Các đại biểu cho rằng việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập, làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu. Để giải quyết tình trạng này cần phải có những chính sách cụ thể, ban hành nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu trong dự thảo Nghị quyết và cho rằng đây là nguyên tắc trụ cột để xử lý nợ xấu.
Hoàng Linh