Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.

Nghị quyết T.Ư 5, Khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân” xác định “Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm năm 2030 chiếm khoảng 60-65%GDP”. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch lập tức tung ra hàng trăm bài viết cho rằng Việt Nam đã “công khai phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”...

Trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng ta luôn khẳng định chủ trương phát triển và nâng cao hiệu quả của các thành phần kinh tế, trong đó khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Kinh tế nhà nước gồm hai bộ phận cấu thành: doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước phi doanh nghiệp (đất đai, tài nguyên thiên nhiên, của cải, tài sản, tư liệu sản xuất, vốn, ngân sách nhà nước, các quỹ quốc gia...).

Như vậy, thành phần kinh tế nhà nước không chỉ bao hàm doanh nghiệp nhà nước mà còn bao hàm sức mạnh kinh tế đứng sau các chính sách và hoạt động quản lý kinh tế của nhà nước, bao hàm khả năng tổ chức và hoạch định chính sách đúng đắn của nhà nước, bao hàm sự gắn kết hợp lý của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tài chính nhà nước, luật pháp và hiệu lực quản lý của nhà nước.

Ngay trong doanh nghiệp nhà nước hiện nay cũng có hai loại, một loại kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, một loại hoạt động công ích không vì mục tiêu lợi nhuận. Giữa hai loại trên còn có loại doanh nghiệp giao thoa, nằm giữa hai loại trên như những tổ chức kinh tế đang quản lý, duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng như cầu đường, sân bay, bến bãi...

Phân tích như vậy để thấy, khi khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, chứ không phải doanh nghiệp nhà nước, Đảng ta cũng khẳng định rằng, các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng phát triển lâu dài, bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Một điều cũng cần nói rõ là “sức khỏe” của mỗi doanh nghiệp không phụ thuộc vào chế độ sở hữu. Nếu cho rằng, chế độ công hữu là nguồn gốc dẫn đến tình trạng yếu kém hay phá sản của một số doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thì các nhà “kinh tế học” sẽ giải thích thế nào về sự sụp đổ hàng loạt các tập đoàn kinh tế hùng mạnh ở Mỹ và các nước trong khu vực Eurozone mà Lehman Brothers là một ví dụ.

Năm 2008, vào thời điểm nền kinh tế Mỹ chao đảo nhất, những tập đoàn kinh tế có bề dày lịch sử như Ford, General Motors, Chrysler trong công nghiệp ô tô hay Citygroup, Bank of America trong lĩnh vực ngân hàng cũng đã ngấp nghé bên miệng vực sụp đổ. “Hà hơi” cho những tập đoàn này, Chính phủ, Ngân hàng T.Ư và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phải tung ra những gói cứu trợ khổng lồ.

Hậu quả của việc Nhà nước Hoa Kỳ dồn nguồn lực vào giải cứu các tập đoàn kinh tế lớn đã khiến người dân Mỹ “tức nước vỡ bờ”, phát sinh phong trào “Chiếm phố Uôn” với khẩu hiệu “1% số người giàu chiếm giữ 90% số tài sản đất nước”, phản ánh bức xúc của số đông người dân khi Chính phủ Hoa Kỳ quá ưu ái các “gã khổng lồ” kinh tế tư nhân.

Ở đâu cũng vậy, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện vai trò điều tiết thượng tầng, chính phủ của mọi quốc gia đều phải sắm vai “bác sĩ” chăm sóc sức khỏe cho các “ông lớn” của nền kinh tế. Vấn đề là nhà nước phải bảo đảm để những “liều thuốc” đưa ra phải phục vụ lợi ích cho số đông chứ không được phục vụ cho một nhóm đặc quyền, đặc lợi.

Ở nước ta, việc xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi của doanh nghiệp nhà nước đã được tiến hành bài bản, chắc chắn, phù hợp với quy luật thị trường. Từ năm 2010 đến nay, khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước bị xóa bỏ, các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện chuyển đổi sang dạng doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Theo tài liệu tại “Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017” (Tổng cục Thống kê) cho thấy, chỉ tính riêng năm 2017, khu vực doanh nghiệp nhà nước mặc dù đang giảm về số lượng nhưng là các doanh nghiệp có quy mô lớn nên vốn thu hút vào sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn còn khá lớn với 9,5 triệu tỷ đồng, chiếm 28,9% tổng vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 19,2% so với năm 2016. Đặc biệt, trong cả ba khu vực (khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI), khu vực doanh nghiệp nhà nước đang có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2017 cao nhất với 11,91 triệu đồng, tăng 4,4% so với năm 2016.

Trên thực tế, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước xét trên tiêu chí lợi nhuận tạo ra, nộp ngân sách Nhà nước có kết quả khá tích cực. Nổi lên trong giai đoạn 2011-2016 có những doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách lớn, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 147.941 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội: 131.400 tỷ đồng.

Phân tích những số liệu nói trên, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thám - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội) cho rằng: “Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp nhà nước vẫn là lực lượng vật chất có tiềm lực mạnh về tài chính, nắm giữ tài nguyên, đất đai, thương hiệu, lực lượng lao động, nguồn vốn, có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý hùng hậu…

Lịch sử đã chứng minh, cho đến ngày nay, các nền kinh tế thành công đều phát triển không thể bằng cách tự điều tiết mà cần có sự can thiệp và hỗ trợ từ phía nhà nước. Nhà nước với vai trò ban hành thể chế phát triển; nhà nước với tư cách một chủ thể tiêu dùng và đầu tư lớn; nhà nước sử dụng các công cụ kinh tế, trong đó có doanh nghiệp nhà nước để tác động, dẫn dắt nền kinh tế… đi đúng đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đề ra”.

Trước một số luận điệu xuyên tạc gần đây, cho rằng Chính phủ Việt Nam dù không tuyên bố nhưng âm thầm xây dựng một nền kinh tế “ruột xanh, vỏ đỏ” với những chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân dần nắm vai trò chủ đạo của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 khẳng định: “Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế HTX năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam”.

Thực tiễn kinh tế thế giới và Việt Nam đã chứng minh rằng, càng phát triển kinh tế thị trường; phát triển kinh tế tư nhân càng phải coi trọng vai trò nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước để khắc phục khuyết tật của nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh.

Đó cũng là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Không thể vỗ tay bằng một bàn tay!

Nguyễn Hồng