Kỷ niệm 65 năm ngày TBLS 27-7, chúng tôi có mặt tại bia tưởng niệm chiến sĩ Đoàn 10 đặc công rừng Sác, sự tưởng niệm hôm nay phần nào làm vơi đi nỗi tiếc thương đối với 860 cán bộ, chiến sĩ đặc công anh hùng.
Tại Bảo tàng huyện Cần Giờ, chúng tôi được giới thiệu các hiện vật, vũ khí, khí tài chiến đấu của các chiến sĩ Đoàn 10 đặc công rừng Sác; tận mắt nhìn thấy Sở chỉ huy trung đoàn, trạm phẫu quân y, kho quân nhu, bếp nuôi quân, xưởng quân khí; được nghe giai thoại về các chiến sĩ đặc công với những năm tháng chiến đấu đầy hi sinh gian khổ, ác liệt, của các chiến sĩ đặc công bám sông nước, sình lầy giữa rừng Sác để chiến đấu đối mặt với kẻ thù. Trước mặt chúng tôi là một rừng Sác sình lầy, ngập mặn quanh năm, sông rạch chằng chịt, từ sông Soài Rạp qua quốc lộ 15, từ nhà bè theo con sông lòng tàu, với diện tích 40 ha, toàn rừng đước ngập mặn.
Những rừng đước, chà là, bần để các chiến sĩ đặc công dầm mình dưới nước, bất ngờ xông lên đánh tàu địch. Là một trận địa sát nách Sài Gòn ở hướng đông nam, nơi đặt cơ quan đầu não, sào huyệt, bộ máy Mỹ - ngụy, các chiến sĩ đặc công triệt để lợi dụng địa hình rừng Sác làm căn cứ chiến đấu. Những địa danh nổi tiếng như lòng tàu, Nhà Bè, Rạch Dừa, Cát Lái đều gắn liền với chiến công hiển hách của Đoàn 10 đặc công. Mỹ - ngụy khiếp đảm kinh hoàng khi nghe tên Đoàn 10 đặc công anh hùng. Cuộc sống chiến đấu thiếu thốn trăm bề nhưng người chiến sĩ đặc công một lòng trung thành với Tổ quốc. Trong hoàn cảnh khó khăn ác liệt, các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 vượt qua bao gian lao chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những chiến công vang dội như tổ đặc công do anh Hai Ngọc chỉ huy mưu trí, dũng cảm nã pháo vào hang ổ của địch, ngày 1-1-1966 tiêu diệt hàng trăm tên địch. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm như các liệt sĩ Nguyễn Công Bao, Phan Văn Tiềm đánh nổ tung tàu chiến địch giữa dòng sông Lòng Tàu, anh hùng Nguyễn Quyết Chiến đánh trăm trận trăm thắng, hình ảnh chiến sĩ đặc công Nguyễn Hữu Minh 2 lần bị địch bắt sống nhưng vẫn trung kiên với Đảng, không khai báo một lời; nhiều chiến sĩ đặc công đã ngâm mình dưới nước hàng giờ để phục kích đánh tàu chiến địch trên sông Lòng Tàu, là những hình ảnh gan dạ, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo; tuy tổn thất, hi sinh nhưng vang dội chiến công, những cách đánh sáng tạo làm sáng ngời phẩm chất bộ đội đặc công Đoàn 10 rừng Sác. Những phẩm chất cao đẹp được nhân dân tin yêu, chở che, giúp đỡ, tiếp tế, ủng hộ. Tấm lòng trong sáng, nghĩa tình thủy chung son sắt, thể hiện trách nhiệm và đạo lý của người dân nơi đây đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Khi nghĩ về cuộc kháng chiến hào hùng đã qua, những hi sinh, mất mát ở nơi đây, mỗi chúng ta đều thấy băn khoăn bởi chưa làm ấm lòng người đã khuất. Đến nay còn hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đặc công Đoàn 10 rừng Sác vẫn chưa tìm thấy hài cốt, các anh trôi dạt vào những cánh rừng, lòng sông, đáy biển đâu đó thì mỗi người còn sống và cả xã hội, phải có trách nhiệm, có kế hoạch để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Những chiến công của các anh đã hóa thành bất tử...
Lòng Tàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó
Khói lửa ngút trời sử sách ghi...
Tên tuổi các anh được khắc vào bia đá lưu lại trong sử sách. Những người chiến sĩ đặc công Đoàn 10 trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc là tấm gương để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ noi theo cha ông trong chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Bài và ảnh: Công Trình