CCB Lại Minh Khiết (bên trái) và tác giả.

Đã qua 48 năm kể từ ngày tham gia chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975, nhưng cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 30-4, những ký ức về trận chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây - đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa, lại ùa về trong tâm trí của CCB Lại Minh Khiết.

Chúng tôi đến thăm CCB Lại Minh Khiết - thôn Phong Lai, xã Đông Phong, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, vào dịp kỷ niệm 48 năm Ngày chiến thắng 30-4 (1975-2023). Trong căn phòng ấm cúng, được nghe ông kể về trận chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây mà ông là người trực tiếp tham gia.

Dáng người thấp đậm, chắc khỏe. Mặc dù đã 75 tuổi nhưng trí nhớ còn minh mẫn, với giọng nói hào sảng, sôi nổi xen lẫn chút khôi hài, ông kể:

Vào một buổi sáng đầu tháng 4-1975, Lại Minh Khiết cùng đồng đội thuộc Đội 1 (tương đương cấp đại đội), Trung đoàn 126 - Đặc công Hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu thuộc khu vực quân cảng Đà Nẵng thì nhận được lệnh đi làm nhiệm vụ gấp.

Vốn là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, lại được cổ vũ bởi tin chiến thắng dồn dập từ các chiến trường nên mọi người khẩn trương làm công tác chuẩn bị, sẵn sàng đi chiến đấu, bổ sung cho các mặt trận, nhưng không biết mặt trận nào. Đến khi chỉ huy đơn vị phổ biến chỉ thị của Quân ủy T.Ư: "Quân chủng Hải quân cùng với Quân khu 5 gấp rút tổ chức lực lượng, tranh thủ thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào xâm chiếm các nơi đó"*, Đội 1 là lực lượng chủ công thực hiện nhiệm vụ, thì tất cả cán bộ, chiến sĩ đều phấn khởi vì sắp được trực tiếp giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.  

Khác với những lần đi đánh tàu địch trước đây. Trận đánh này với muôn vàn khó khăn: Các đảo đều nằm cách xa đất liền hàng trăm hải lý, giữa mênh mông biển khơi, sóng gió, không lường trước được điều gì, công tác bảo đảm, phương tiện kỹ thuật để tác chiến trên biển còn khó khăn; mục tiêu chưa được trinh sát trước…. Nhưng đây là nhiệm vụ rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược cả về chính tri, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều có kinh nghiệm chiến đấu và lập được nhiều chiến công, nên Lại Minh Khiết cùng đồng đội xác định sẵn sàng hy sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo.

Lực lượng giải phóng Trường Sa lấy mật danh là C75, gồm Đội 1 và tổ hỏa lực của Tiểu đoàn 471, Quân khu 5, được 3 tàu mang số hiệu 673, 674, 675 của Đoàn 125 vận chuyển, do đồng chí Mai Năng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126, Đặc công Hải quân chỉ huy, đã chọn đảo Song Tử Tây là mục tiêu tiến công trước. Đúng 4 giờ ngày 11-4-1975, cả 3 tàu rời Quân cảng Đà Nẵng nhằm hướng Trường Sa thẳng tiến. Sau ba ngày đêm cơ động trên biển, đến 19 giờ ngày 13-4, lực lượng của ta đến cách đảo Song Tử Tây chừng 5 hải lý. Các tàu vừa nghi binh đánh cá, tăng cường quan sát, vừa dành thời gian để bộ đội nghỉ ngơi hồi sức, đồng thời có thời gian nghiên cứu điều chỉnh kế hoạch tiến công.

Thực hiện kế hoạch tác chiến, Tàu 673 chở Phân đội 1 (tương đương cấp trung đội) và bộ phận hỏa lực tiếp cận đảo. qQuân địch trên đảo phát hiện bắn pháo tín hiệu xua đuổi, tàu ta lùi ra xa thả trôi. Hai Tàu 674 và 675 theo phương án cơ động ra án ngữ ở phía Bắc và phía Nam đảo sẵn sàng chi viện.

1 giờ đêm ngày 14-4, Tàu 673 được lệnh cơ động vào vị trí  thả xuồng đổ bộ. Lực lượng trực tiếp đánh chiếm đảo do Phân đội trưởng (tương đương Trung đội trưởng) Đào Mạnh Hống chỉ huy, được bố trí trên 5 xuồng cao su, chia thành hai đợt bí mật tiếp cận đảo.

Đợt một: Ba xuồng chở lực lượng của ba mũi tiến công, do đồng chí Đào Mạnh Hống chỉ huy đổ bộ vào hướng Đông bắc đảo. Đợt hai: hai xuồng chở bộ phận chỉ huy và bộ phận hỏa lực trong đó có chiến đấu viên Lại Minh Khiết, do đồng chí Nguyễn Ngọc Quế - Đội trưởng (tương đương Đại đội trưởng) chỉ huy tiếp tục tiếp cận đảo và sẵn sàng nổ súng chi viện các mũi tiến công nếu bị địch phát hiện. Do đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên sông, biển; mặc dù phải vật lộn với sóng lớn và nước xoáy, nhưng sau hai giờ, toàn bộ đội hình chiến đấu đã bí mật tiếp cận vị trí theo phương án đã định, sẵn sàng nổ súng.

Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4, Phân đội trưởng Đào Mạnh Hống ra lệnh cho chiến đấu viên Lê Minh Đức dùng súng B41 tiêu diệt mục tiêu có cần ăng-ten làm hiệu lệnh hiệp đồng chiến đấu. Các mũi tiến công đồng loạt nổ súng xung phong đánh chiếm các công sự, ụ chiến đấu của địch. Lợi dụng hỏa lực ĐKZ và B40, B41 bắn phá, Lại Minh Khiết cùng đồng đội nhanh chóng vượt qua bãi trống, tận dụng các chướng ngại vật, các gốc cây, dùng súng AK, lựu đạn đánh chiếm từng ụ súng, từng đoạn chiến hào, tiến dần vào trung tâm đảo. Những tiếng nổ vang rền, những quầng lửa chói lòa cùng những điểm xạ ngắn, điểm xạ dài của súng tiểu liên, trung liên của lực lượng ta làm chấn động cả một vùng biển rộng. Bị đánh bất ngờ, sau mấy phút hoang mang, lúng túng, bọn địch dựa vào hầm, hố, công sự chống cự rất quyết liệt. Nhưng với chiến thuật đặc công, các chiến đấu viên đã mưu trí dũng cảm vừa đánh địch từ trong ra, từ ngoài vào tiêu diệt từng lô cốt, ụ súng và các ổ đề kháng của địch.

Sau hơn 30 phút chiến đấu, lực lượng ta tiêu diệt một số địch. Số còn lại bỏ chạy tán loạn ra bãi biển. Thừa thắng, cán bộ, chiến sĩ ta vừa gọi hàng, vừa truy lùng những tên địch còn ẩn nấu trong công sự. Biết không thể chống cự nổi, tên Hùng - thiếu úy - quyền Đảo trưởng giơ cờ trắng xin hàng. Kết quả trận chiến đấu, ta tiêu diệt 6 tên, bắt 33 tên, thu 1 khẩu ĐKZ, 2 khẩu cối 61 mm, 2 đại liên, 2 trung liên, 45 súng bộ binh và toàn bộ trang bị, khí tài của địch. Ta hy sinh 1 đồng chí. 5 giờ 15 phút ngày 14-4-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa**.

Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, toàn lực lượng tập trung củng cố công sự, trận địa sẵn sàng đánh địch tái chiếm đảo. Phân đội 1 của Lại Minh Khiết cùng bộ phận hỏa lực của Tiểu đoàn 471 được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ đảo. Các tàu đưa tù binh và đại bộ phận lực lượng về Đà Nẵng rút kinh nghiệm và làm công tác chuẩn bị giải phóng các đảo tiếp theo.

Được phân công ở lại bảo vệ đảo, Khiết cùng đồng đội tập trung củng cố công sự trận địa, chặt cây dừa đắp ụ giả làm trận địa pháo để lừa địch. Bị mất đảo, địch vội vàng cho hai tàu HQ16, HQ402 ra định phản kích chiếm lại. Nhưng khi đến gần thấy có ba lá cờ Giải phóng tung bay và nhiều trận địa pháo, chúng cho rằng lực lượng trên đảo rất mạnh; mặt khác do hoang mang trước những thất bại dồn dập của chúng trên đất liền, địch không dám tiến công, chỉ lảng vảng rồi quay về đảo Nam Yết.

Sau khi miền Nam được giải phóng, ngày 7-5-1975, cấp trên điều lực lượng bổ sung bảo vệ đảo, rút Phân đội 1 về lại đội hình của Trung đoàn 126. Lại Minh Khiết được cử đi đào tạo cán bộ, tiếp tục công tác trong Quân chủng Hải quân. Năm 1992, ông được nghỉ hưu.

Từ ngày về hưu, thương binh, CCB Lại Minh Khiết liên tục được bầu làm Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã đến nay. Ông hăng hái lao động sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động của Hội CCB, các phong trào ở địa phương và nuôi dạy con cháu học hành thành đạt. Ông sống lạc quan, an nhiên tự tại cùng con cháu, hòa đồng cùng bà con làng xóm.

Nguyễn Văn Hán - CCB T.P Thái Bình

* Lịch sử lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, t 261

** Lịch sử lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, t 265-266.