Hóa ra trong những ngày “Văn hóa đọc” này lại đang có cuộc tranh luận trên không gian mạng. Người thì cho rằng trong thời chuyển đổi số, người đọc không hề giảm, thậm chí nhiều hơn xưa. Nhưng không ít người “cãi lại” bảo bây giờ đọc ít hơn...

Cần xem kỹ lại, là đọc gì để phần nào phản ánh được hiện thực. Một sự thật là xã hội ta bây giờ ít người đọc sách, báo in hơn so với trước đây. Có tâm lý ở một bộ phận ngại đọc sách, báo in, đến mức có người không thể đọc nổi một cuốn sách, một trang báo, thậm chí một văn bản, một công văn...  

Giống như  người bán hàng, quen dùng máy tính tính hộ; về sau những phép tính đơn giản “một cộng năm bằng mấy” mà rời máy tính ra là không tính được. Còn trường hợp cá biệt đã có những em học sinh phổ thông không viết được chữ trên giấy - cũng là do chỉ quen “mổ” trên máy tính. Còn chữ viết thì thôi rồi, loằng ngoằng như con giun, con dế!

Cũng chính vì lười đọc sách báo in, nên có văn bản, kể cả những văn bản khá quan trọng bị nhầm lẫn, do người kiểm duyệt đọc lướt, thậm chí không đọc. Điển hình phải kể đến một sai sót ở một Bộ cách đây hơn 10 năm, gửi giấy mời cho cơ quan báo chí, vẫn để chữ ký, con dấu của ông Bộ trưởng cũ đã chuyển đi nơi khác hơn 1 năm. Sau này ông Chánh văn phòng của Bộ ấy thành thực nói với tôi, do bệnh lười đọc.  

Đúng là không gian mạng ngày nay đang tràn ngập kiến thức, đọc vừa thuận tiện, vừa “bắt mắt”. Nhưng chìa khóa mở kho kiến thức ấy chỉ có ở những nhà thông thái. Mà chúng ta số đông lại không phải là nhà thông thái. Nghĩa là, hiện nay có một tỷ lệ rất lớn người đọc trên mạng lấy được điều hay lẽ phải thì ít; điều xấu, nhảm nhí, vô văn hóa thì nhiều.

Thế mới hay, bên cạnh những cái được, thì “mạng” làm ta mất thói quen, thậm chí không muốn đọc sách, báo - nơi mà nội dung đã được biên tập, kiểm duyệt trước khi xuất bản. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến có câu nói: “Hình như... nhiều người bây giờ ngơ hơn trước!”.

Huy Thiêm