Có một sự thật là hầu hết các di tích, danh lam thắng cảnh, giờ tràn lan các hòm công đức, đĩa đặt tiền giọt dầu. Thậm chí, tại những điểm thu hút đông khách thập phương, mỗi năm lại “mọc” thêm các ban thờ mới. Chính quyền biết, cơ quan chức năng biết và đã có những biện pháp quyết liệt nhằm loại bỏ, nhưng dường như đâu vẫn hoàn đấy, khiến dư luận đã từng lo ngại hiện tượng tượng giả, chùa giả và nhất là “gia đình hóa” di tích…
Tính thương mại hóa lễ hội còn thể hiện ở việc tổ chức đấu thầu các điểm bán hàng, kinh doanh dịch vụ. Đấu thầu giá cao, dẫn đến chủ hàng cũng phải đẩy giá cả lên để thu lợi nhuận. Trong khi đó, ban tổ chức không thể kiểm soát được giá cả, cũng như chất lượng hàng hóa, khiến người du khách trở thành những kẻ bị “cắt cổ”.
Tại những lễ hội nổi tiếng cả nước như chùa Hương, chùa Yên Tử, Bà Chúa Kho; Đền Trần... vì quá đông khách, không đáp ứng đủ nhu cầu dịch vụ, nên giá vé liên tục tăng. Không những thế, chùa Hương gần đây còn bắt buộc mua vé thắng cảnh. Chưa kể tới việc liên tục tăng phí và đây là nơi tổ chức cho nhiều chủ hộ, doanh nghiệp tư nhân nhảy vào thuê, đấu thầu địa điểm kinh doanh, buôn bán dịch vụ nhiều nhất hiện nay.
Đầu xuân năm mới lên chùa. Việc đó nhiều năm nay đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt. Và nét đẹp ấy, đương nhiên sẽ càng đẹp nếu như những hành vi thiếu văn hóa không diễn ra nơi cửa Phật. Chùa Hương đang vào mùa lễ hội, cơ bản không khác gì mọi năm, nạn “cò”vẫn phổ biến. Có cò vé tham quan du lịch. Có cò vé đò. Các ngành nghề chặt chém khách đi lễ “trăm hoa đua nở”, từ hàng ăn, trông xe, bán đồ lễ, đồ lưu niệm... Đặc biệt, lễ khai ấn đền Trần vốn gây nhiều bức xúc trong dư luận nhiều năm qua, năm nay vẫn không nhiều khác biệt. Cảnh tượng khủng khiếp lại tái diễn khi biển người đổ dồn tới xin ấn. Người ta sẵn sàng xô đổ hàng rào, dẫm đạp lên nhau, cướp lộc, đẩy ngã người khác để được chen lên trước vào xin ấn.
Sự thương mại hóa lễ hội còn thể hiện ngay ở trong lòng mỗi du khách. Tại mỗi điểm lễ hội, tiền công đức, thứ vốn mang ý nghĩa thể hiện lòng cung kính, góp sức xây dựng chốn linh thiêng và để làm việc thiện, được phật tử, khách thập phương dâng cúng cơ man nào là lễ vật!. Thế nhưng, cách dâng cúng lại không mấy đẹp đẽ. Tiền, thay vì bỏ vào hòm công đức, được người ta nhét vào tay tượng Phật, ném vào hậu cung, vứt tràn xuống suối (Giải Oan, chùa Hương), thậm chí, còn rải đầy trên mái nhà Thái Học (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội)... Kết cục, những chốn linh thiêng tràn ngập tiền, một hình ảnh thương trường hơn cả thương trường ngoài đời.
Thương mại hóa lễ hội có thể hiểu rộng hơn, bao gồm tất cả những hoạt động kinh doanh tại các lễ hội, các danh lam, thắng cảnh. Hiện tượng này có từ bao giờ, chắc khó có thể xác định. Tuy nhiên, những năm gần đây, do sự thương mại hóa quá đà, đã xuất hiện nguy cơ làm phai nhạt bản sắc văn hóa của các lễ hội, làm ảnh hưởng tới cảnh quan của các danh lam, thắng cảnh. Đơn cử như tại hội Lim, một lễ hội truyền thống đậm chất văn hóa kinh Bắc, từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Bắc Ninh, được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm, gần đây thương mại hóa quá đà, có nguy cơ mất hội! Đi dự hội, khách mong được nghe các liền anh, liền chị hát ngay tại cái nôi sinh ra Quan họ. Thế nhưng, không gian ấy đậm đặc những hoạt động vui chơi có thưởng (mà thực chất là cờ bạc đỏ đen). Chuyện giao duyên với các liền anh, liền chị cũng mang màu sắc của… cát-xê.
Đến hiện tại, có thể tạm kết luận một điều, hiếm có lễ hội nào trên địa bàn cả nước không xuất hiện những hoạt động thương mại. Tuy nhiên, “bình tĩnh” lại để suy xét, thì không hẳn hoạt động thương mại nào cũng đáng trách.
Những trò cờ bạc đỏ đen là rất xấu, gây ảnh hưởng rất lớn tới không gian văn hóa của lễ hội, cần phải loại bỏ ngay và loại bỏ không có gì khó. Còn một số hoạt động khác thì cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi “lên án”.
Có cầu ắt có cung. đó là nguyên lý bất di bất dịch của không chỉ hoạt động kinh doanh. Vì thế, khi du khách phát sinh nhu cầu thì việc xuất hiện thêm những dịch vụ tiện ích hơn là tất yếu. Hơn nữa, để văn hóa phát triển, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều gắn hoạt động thương mại với văn hóa. Văn hóa là sức hút để guồng máy thương mại vận hành. Và những thành quả của hoạt động thương mại được quay trở lại phục vụ sự phát triển của văn hóa. Một lễ hội cần có những hình thức kinh doanh nhất định để tạo doanh thu. Doanh thu đó chính là nguồn duy trì “sức sống” cho lễ hội.
Vấn đề chỉ là việc sử dụng lợi nhuận và “liều lượng” của các hoạt động thương mại tại lễ hội như thế nào.
Ngọc Mỹ