Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Chiều 14-8, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Di chúc của Bác - Nguồn sáng dẫn đường”. Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đến dự và cắt băng khai mạc. Cùng dự triển lãm còn có các đồng chí tướng lĩnh, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ.

Các đại biểu tham quan triển lãm.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, triển lãm nhằm ôn lại và khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, giới thiệu tới khách tham quan những thành tựu nổi  bật của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 50 năm thực hiện Di chúc của Người, những tập thể, các nhân điển hình tiêu biểu 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2014-2019) trong quân đội.

Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu với 3 phần: Phần một trưng bày hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiêu biểu như: Ngôi nhà quê nội - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống cùng gia đình ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; bến cảng Nhà Rồng đầu thế kỷ XX-nơi Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5-6-1911; Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930...

Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu.

Phần 2 giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu thể hiện hoàn cảnh ra đời bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn thể dân tộc Việt Nam; thể hiện quyết tâm của Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức học tập và làm theo Di chúc của Người... Nổi bật như: Ảnh đồng chí Lê Duẩn đọc điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh và công bố Di chúc của Người, ngày 10-9-1969; Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1965, 1968...

Một số hiện vật gắn với cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ trái sang phải): Bộ quần áo kaki, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng từ năm 1954 đến 1969; đôi dép cao su Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng từ năm 1960 đến 1969; máy chữ - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng khi sống và làm việc tại Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Văn bản đầu tiên được viết trong 5 ngày kết thúc vào ngày 15 tháng 5 năm 1965, dài 3 trang, có cả chữ ký người chứng kiến của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn).
Sáng kiến máy hút dịch đạp chân của tổ phẫu thuật- đội phẫu thuật cứu chữa cơ bản của tác giả Bùi Thị Hoa, Trần Đình Chiến.

Phần 3 giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu mô hình hay, cách làm sáng tạo của những tập thể điển hình, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích, sáng kiến cải tiến, hiệu quả trên các mặt công tác trong toàn quân qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Tiêu biểu như: Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm TCCT trao Bằng khen của Chủ nhiệm TCCT tặng các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, giai đoạn 2014-2019, tháng 6-2019; Chỉ thị số 788-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về phát động Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", ngày 26-12-2013...

NGUYỄN THÚY