Trong 26 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật bao gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Đồng thời Quốc hội sẽ cho ý kiến về 10 dự án luật bao gồm: Luật tố cáo (sửa đổi); Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật an ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật đo đạc và bản đồ; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Trong đó sự chú ý sẽ được tập trung nhiều nhất đối với Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Sau hơn 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc trong nhân dân. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết.
Theo thông lệ kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ tập trung nhiều cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên việc công khai dự toán ngân sách nhà nước được thực hiện, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều sự đổi mới và chắc chắn sẽ làm nóng nghị trường hơn nữa trong các phiên thảo luận và chất vấn về vấn đề phân bổ và thực hiện ngân sách quốc gia.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số dự án quan trọng của đất nước như Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông, báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017; Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017…
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn là một điểm nóng được cử tri và nhân dân cả nước hết sức quan tâm theo dõi. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp trước, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiếp tục dành 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội.
Một vấn đề cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước đó là vấn đề nhân sự cấp cao. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về nhân sự cấp cao đối với các chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ. Quốc hội cũng đang cân nhắc xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, người vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo. Theo thông tin từ Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trong cuộc họp báo ngay trước thềm Quốc hội thì hiện các cơ quan chức năng đang xem xét những vấn đề cụ thể và sau đó sẽ báo cáo ra Quốc hội.
Điểm mới của Kỳ họp lần này là thời gian truyền hình, phát thanh trực tiếp sẽ được tăng lên nhằm tạo điều kiện cho cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng. Dự kiến, trong tổng số 26 ngày làm việc sẽ phát thanh, truyền hình trực tiếp 11 ngày về 13 nội dung, trong đó có 2 nội dung lần đầu tiên bố trí thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sẽ làm việc trong 26 ngày từ 23-10-2017 đến 24-11-2017.
Hoàng Linh