Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Thị Doan - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có sự hiện diện của TS. Shin Young-soo - Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO; ông Pehin Dato Adanan Yusof - Bộ trưởng Bộ Y tế Brunei Darussalam, Chủ tịch Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 62 của WHO.

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng, các đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Tây Thái Bình Dương, các đại biểu của Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức khác của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển tại Việt Nam...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Ngành Y tế Việt Nam luôn hướng về phương châm kết hợp y học dân tộc với y học hiện đại, coi trọng truyền thông giáo dục sức khỏe và y tế dự phòng; ưu tiên công tác phòng bệnh, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở vững chắc đến tận thôn, bản làm cơ sở cho việc đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Bên cạnh đó, ngành y tế Việt Nam cũng không ngừng phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, phát triển nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao, xây dựng nền y học hiện đại, kỹ thuật cao xứng tầm với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hướng tới mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Trong thời gian qua, với những cố gắng không ngừng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Mạng lưới y tế cơ sở đã được phát triển rộng khắp trên cả nước. Chính phủ cũng đã có những cam kết mạnh mẽ để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân bao gồm huy động người dân tham gia bảo hiểm y tế, hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ phần lớn mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, học sinh, sinh viên.

Về mối quan hệ hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Bộ Y tế luôn coi trọng, đánh giá cao và chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Tổ chức Y tế Thế giới, trong vai trò là cơ quan chuyên môn cao nhất về y tế của Liên hợp quốc và các đối tác phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới đã hỗ trợ Việt Nam trong gần 4 thập kỷ qua thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng các chiến lược y tế, phát triển công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh dịch mới nổi như: Dịch SARS, dịch cúm A H5N1, H1N1, phòng chống lao, sốt rét, phòng chống các bệnh không lây nhiễm và các chương trình y tế công cộng khác...

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hôi nghị Khu vực lần này thể hiện sự quyết tâm hợp tác vì các mục tiêu chăm sóc sức khỏe của Việt Nam và của toàn khu vực. Bộ trưởng mong muốn Hội nghị sẽ là một cột mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác y tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, đưa hình ảnh của Việt Nam lên tầm cao mới trong mối quan hệ hợp tác toàn diện với Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia thành viên. Đây cũng là dịp các quốc gia thành viên trong Khu vực chia sẻ, trao đổi các bài học kinh nghiệm thành công trong quá trình phát triển ngành y tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cảm ơn và đánh giá cao sự tin tưởng mà Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia thành viên trong khu vực đã dành cho Việt Nam. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng khẳng định sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam với Tổ chức Y tế thế giới cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước, góp phần thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, Việt Nam đã luôn cố gắng phối hợp tốt với Tổ chức Y tế thế giới và khu vực vượt qua những khó khăn to lớn do hậu quả của hàng chục năm chiến tranh để lại, cố gắng phấn đấu cùng với những nỗ lực chung của các quốc gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Chính vì vậy trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, cùng với những thành công to lớn trong công cuộc phát triển đất nước, Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những điểm sáng về thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, khống chế hiệu quả các bệnh dịch lao, sốt rét, HIV/AIDS.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hy vọng rằng, với sự hưởng ứng đầy thiện chí, Hội nghị sẽ đưa ra những Chiến lược, Nghị quyết và Kế hoạch hành động hiệu quả mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với nhân dân các quốc gia thành viên cũng như góp phần tích cực vào công tác phát triển ngành y tế trong khu vực.

Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới TS.Shin Young-Soo nhấn mạnh: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu y tế và đang ứng phó rất tốt với một nền kinh tế chuyển đổi. Các chính sách đã tạo ra sự thay đổi lớn.

Ông Shin Young-Soo đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá, ngăn chặn và đẩy lùi việc hút thuốc lá. Đây được coi là cột mốc quan trọng trong những bước tiếp theo của các chương trình sức khỏe cộng đồng.

“Trong thời gian tới, tại Hội nghị chúng ta sẽ được tìm hiểu thêm về những nỗ lực của Việt Nam và cùng thảo luận các chương trình mục tiêu cũng như tăng cường hơn nữa việc hợp tác giữa các quốc gia vì mục tiêu sức khỏe cộng đồng, tiến bộ chung của các nước trong khu vực. Tại Hội nghị lần này, các nước thành viên cũng sẽ cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm ứng phó khác nhau và cùng thảo luận các hoạt động chung liên quan đến các chương trình”- ông Shin Young-Soo nói.

Được biết, diễn ra từ ngày 24/9 đến hết ngày 28/9, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề như: Phòng ngừa bạo lực và tai nạn thương tích, các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, loại trừ bệnh sởi, dinh dưỡng phòng chống tác hại thuốc lá, các bệnh không lây nhiễm, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế, tài chính y tế, sốt rét và kháng artemisinin, tiêm chủng mở rộng, Điều lệ Y tế Quốc tế, phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản…

Dự kiến sẽ có 5 Nghị quyết và 5 Kế hoạch hành động của Khu vực Tây Thái Bình Dương trong các lĩnh vực chuyên môn sẽ được thông qua tại Hội nghị này.

Đặc biệt, Hội nghị còn có một phiên thảo luận cấp cao về dinh dưỡng, với sự tham gia của Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của FAO, UNICEF và WEP và Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO.

Bảo Lâm