Tuy nhiên, đây vẫn là vùng khó khăn nhất trong cả nước, bởi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Ngoài các nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là việc xây dựng và quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao, có khi còn nóng vội và chưa phát huy được tính chủ động của đồng bào.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết: Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số vẫn chiếm 30% số hộ nghèo của cả nước. Sau nhiều năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số (từ năm 2002-2014 chi hỗ trợ từ ngân sách khoảng 9.509,410 tỷ đồng/tổng nhu cầu gần 30.000 tỷ đồng) nhưng đến nay vẫn còn khoảng 360.167 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở. Hiện có đến vài chục chính sách đang triển khai ở các vùng dân tộc thiểu số, ngoài Chương trình 135 còn có hàng loạt chính sách quan trọng khác như Chương trình 30A của Chính phủ, chương trình xóa đói giảm nghèo cho các huyện nghèo, chương trình nông thôn mới... không thể tránh được phần nào đó trong việc chồng chéo. Theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề xuất, nên giảm số lượng chương trình, thu gọn các đầu mối chính sách, xác định chính sách trọng điểm cho giai đoạn trung hạn mới, như vậy đầu tư mới hiệu quả.
Nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo trên, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa giao các bộ, ngành được phân công xây dựng và thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số, chính sách giảm nghèo khẩn trương hoàn thiện việc rà soát, đánh giá toàn diện các chính sách trong thời gian qua, đề xuất chính sách cho giai đoạn 2016-2020 theo hướng xử lý các nội dung trùng lắp, chồng chéo.
Cụ thể: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan, cùng với việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 20-7-2015, thực hiện tổng hợp chung kết quả rà soát chính sách dân tộc và chính sách giảm nghèo của các bộ, ngành liên quan; phát hiện nội dung trùng lắp, chồng chéo, không phù hợp, không khả thi; trên cơ sở đó đề xuất khung hệ thống chính sách dân tộc và chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020; dự kiến phân công các bộ, ngành xây dựng và trình ban hành các chương trình, dự án, chính sách cụ thể; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 theo hướng tích hợp Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013, Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4-12-2012 và lồng ghép các hạng mục hoặc dự án thực sự cần thiết thuộc chính sách hỗ trợ định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư nhưng chưa bố trí được vốn để thực hiện.
Đồng chí Vũ Văn Ninh yêu cầu, chuyển chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg phân cấp cho địa phương chủ động thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan liên quan đưa chính sách này vào chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 18-11-2014. Bên cạnh đó, các địa phương tự cân đối được ngân sách, chủ động bố trí kinh phí thực hiện chính sách dân tộc với định mức cao hơn, nhằm hoàn thành sớm hơn các mục tiêu của chính sách, phù hợp với thực tế địa phương.
Bài và ảnh: Mai Anh