1. Khả năng hợp tác về chính trị an ninh.
Nhà nghiên cứu người Nga LokShin G.M cho rằng: Đông Nam Á là một khu vực đa trung tâm không có một trung tâm quyền lực rõ rệt và là khu vực với truyền thống nhiều thế kỷ tiến hành chính sách liên minh. Các nước ASEAN tích cực hoạt động nhằm mở rộng tối ưu các hướng chính sách của mình và hòa loãng tham vọng của Trung Quốc, Mỹ… trong môi trường cạnh tranh rất phức tạp. Trong bối cảnh đó, lợi ích của Nga ở khu vực càng rõ ràng hơn, bởi “ Những khuynh hướng nào sẽ tiếp tục phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chúng có liên quan đến lợi ích quốc gia của Nga điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc quan hệ giữa Nga và ASEAN sẽ diễn ra như thế nào” . Vì thế, giữa những năm 1990 đến nay Nga đã có sự chuyển hướng trong quan hệ chính trị an ninh với ASEAN theo chiều hướng tích cực hơn: Tháng 7/1994 Nga tham gia “ Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN” ( ARF) và cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Nga và các nước ASEAN ngày 13 tháng 12 năm 2005 tại Kuala Lămpua là dấu mốc quan trọng trong phát triển đối tác đối thoại Nga-ASEAN. Trong thời gian hội nghị thượng đỉnh hai bên đã xác định những khuynh hướng phối hợp sau này giữa Nga với “ASEAN 10”. Nga trở thành một trong 10 quốc gia đối thoại của ASEAN và như trưởng đoàn Nga E.Primacop tuyên bố tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ( PMC) ngày 27/7/1996 tại Jacacta ( Indonesia): “ Sẽ mở ra một trang mới trong đời sống các nước khu vực… Đông Nam Á là khu vực được ưu tiên trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Nga”. Tháng 12/2005 ASEAN và Nga ký kết tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ; Tuyên bố chung tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần thứ 2 ( 10-2010). Nga tiếp tục chủ động hơn trong các cơ chế hợp tác khu vực: Hội nghị cấp cao Đông Á ( EAS). Diễn đàn khu vực ASEAN ( ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng ( ADMM+)…
Sự hợp tác giữa ASEAN và Nga nói chung, lĩnh vực chính trị an ninh nói riêng đã được thể hiện thông qua một gói văn kiện gồm: Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về đối tác phát triển và toàn diện (Joint Declaration of the Heads of State, Government of the Member Countries of the Association of Southeast Asian Nations and the Head of State of the Russian Federation on Progressive and Comprehensive Partnership) . ASEAN và Nga đã thông qua “ Chương trình hành động tổng thể phát triển hợp tác Nga- ASEAN giai đoạn 2005-2015” (Comprehensive Programme of Action to Promote Cooperation between the Association of Southeast Asian Nations and the Russian Federation 2005-2015) Và Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và phát triển ( có hiệu lực ngày 11 tháng 8 năm 2006) (Agreement between the Governments of the Member Countries of the Association of Southeast Asian Nations and the Government of the Russian Federation on Economic and Development Cooperation) . Cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo Nga và ASEAN đã đem lại động lực thúc đẩy làm sâu sắc hơn sự hợp tác giữa hai đối tác theo một loạt hướng khác nhau, còn những nghị quyết được hội nghị thượng đỉnh thông qua đã nâng cao đáng kể sự phối hợp với “ASEAN 10”, làm cho sự hợp tác có chất lượng hơn và mang tính thực tế hơn. Nga thành lập Quỹ tài chính đối tác đối thoại Nga- ASEAN nhằm hiện thực hóa những dự án đã được tiến hành theo đường nhà nước là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện mang tính thực tế sự hợp tác với Hiệp hội. Năm 2007, phía Nga đã đóng góp 0,5 triệu USD lần đầu vào Quỹ.
Khả năng hợp tác về chính trị an ninh của Cộng đồng ASEAN với Nga sau khi AC thành lập ( 12/2015) cho đến nay là khá thuận lợi. Giữa hai đối tác không có mâu thuẫn và xung đột lớn về lợi ích. Hơn nữa, hai bên còn có những ưu thế chính trị quan trọng so với các đối tác khác của Hiệp hội. Nga là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, giữa Nga và các nước ASEAN chưa bao giờ có chiến tranh hay các cuộc xung đột. Sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, Nga không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước ASEAN và không làm cho tình hình ở Đông Nam Á thêm căng thẳng, bao gồm các vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, xung đột lãnh thổ và tôn giáo. Sự ủng hộ của Nga sẽ đưa đến việc hiện thực hóa cộng đồng ASEAN thuận lợi hơn và điều đó sẽ đem lại lợi ích về chính trị và an ninh cho cả hai phía. Đáng chú ý là trong hai ngày 19 và 20/5/2016 Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga lần đầu tiên đã được tổ chức tại Sochi ( Nga). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chặng đường 20 năm quan hệ hai bên: từ khởi động lại, duy trì và tăng cường khả năng hợp tác giữa ASEAN và Nga trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động khó lường. Cũng tại hội nghị này hai bên đã thông qua chương trình Hành động toàn diện ASEAN-Nga giai đoạn 2016-2020 và nhiều văn kiện quan trọng khác làm cơ sở để thúc đẩy hợp tác hai bên: 1.Hợp tác an ninh, 2. Thúc đẩy quan hệ thương mại, du lịch…trong đó có việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Nga, 3. Thúc đẩy hợp tác văn hóa xã hội…4. Thực hiện chương trình nghị sự Liên hiệp quốc về Phát triển bền vững ( SDG) đến 2030 và thỏa thuận của Hội nghị COP-21 về Biến đổi khí hậu…
Nga quan tâm nhiều đến sự hợp tác Đông Á và họ nhận thức rõ ràng rằng: Chiến lược của ASEAN đối với việc khu vực hóa tại Đông Á là phát triển hệ thống Hiệp định song phương thành lập khu mậu dịch tự do theo sơ đồ “chiếc ô” xoay quanh cán ô là trung tâm ASEAN. Cộng đồng Đông Á trong tương lai cũng sẽ được xây dựng theo công thức này mà khởi đầu sẽ là ASEAN+3. Trong các vấn đề an ninh đối với ASEAN Nga luôn có thái độ thận trọng và về cơ bản là ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng an ninh chính trị. Trong cuộc họp cấp ngoại trưởng Nga-ASEAN ( 2/8/2018) Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định mong muốn của Nga phát triển quan hệ đối tác với các nước ASEAN trên mọi lĩnh vực và mọi hướng hợp tác.
** 2. Khả năng hợp tác kinh tế**
Nhìn chung, quan hệ kinh tế của Nga với các nước ASEAN có nhiều tiềm năng to lớn, song do một số nguyên nhân nên chưa được hiện thực hóa một cách đầy đủ. Tổng kim ngạch thương mại Nga –ASEAN tăng từ 1,3 tỷ USD năm 2000 lên 4,7 tỷ USD năm 2006, năm 2010 đạt 12,5 tỷ USD, chiếm 1,8 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga và FDI từ 2007-2009 đạt 270,6 triệu USD, tương đương 0,2% toàn bộ FDI của Nga ra nước ngoài. Những năm gần đây quan hệ kinh tế hai bên có bước chuyển biến tích cực: Tổng kim ngạch thương mại ASEAN-Nga tăng 40% từ 11,96 tỷ USD ( 2016) lên đến 16,74 tỷ USD ( 2017) chiếm 0,66% tổng thương mại của ASEAN. Nga là đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN trong số các đối tác đối thoại của khối này. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nga năm 2017 là 0,04 tỷ USD với tỷ trọng 0,03% tổng đầu tư vào ASEAN năm 2017. Nga là nhà đầu tư FDI lớn thứ 10 trong số các đối tác đối thoại ASEAN. Điểm sáng trong quan hệ Nga-ASEAN là sự gia tăng số khách du lịch Nga đến ASEAN: Năm 2017 với số khách 1,8 triệu người tăng 20% so với năm 2015 (1,5 triệu người). Tuy nhiên, hai bên đều cho rằng quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nga vẫn còn khá khiêm tốn và chưa khai thác hết tiểm năng lợi thế của các bên. Có thể nêu lên một số yếu tố cản trở gia tăng quan hệ thương mại Nga-ASEAN: Sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác truyền thống các chủ thể kinh tế của “ASEAN 10” với các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU và các nước khác, tỷ trọng lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia phương Tây trong công nghiệp và ngoại thương của Hiệp hội cũng như sự hạn chế của các nguồn xuất khẩu của Nga mà các nước ASEAN quan tâm. Một phần lớn xuất khẩu của Nga là sản phẩm kim loại, phân bón, dầu lửa, sản phẩm dầu lửa, hóa dầu, gỗ và xenlulo. Nga mua từ các nước ASEAN chủ yếu là cao su tự nhiên, dầu cọ và dầu dừa, chè, hoa quả, hàng tiêu dùng, điện tử, máy tính. Khả năng xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Nga trong tương lai sẽ bị hạn chế bởi tại các nước ASEAN nhiều ngành sản xuất thay cho các mặt hàng nhập khẩu đang được xây dựng. Tuy nhiên, về lâu dài nhân tố quyết định sự phát triển lâu dài thương mại Nga- ASEAN vẫn sẽ là việc cải thiện cơ cấu xuất khẩu của Nga nhờ việc gia tăng sản phẩm công nghệ cao.
ASEAN là một thị trường rộng lớn cho các sản phẩm chế tạo máy, công nghệ vũ trụ hàng không, thiết bị khai thác dầu và khí của Nga. Đặc biệt ASEAN là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn của Nga và có thể mở ra con đường mở rộng quan hệ hợp tác trong các ngành hỗn hợp. Ngoài ra, lĩnh vực hợp tác hàng không, vũ trụ, dầu khí…giữa Nga và ASEAN đang hứa hẹn đầy triển vọng. Việc thành lập các cơ sở sản xuất chung tại các nước ASEAN sử dụng chuỗi mắt xích công nghệ của các tập đoàn xuyên quốc gia Nga và hướng tới thị trường ASEAN và xuất khẩu sang các nước thứ ba sẽ có vai trò hàng đầu trong việc tăng cường hợp tác Nga và ASEAN trong lĩnh vực đầu tư. Hiện nay đã thấy rõ khuynh hướng các chủ thể kinh doanh của Nga muốn vươn sang các nước ASEAN. Các tập đoàn kinh tế thuộc các khu vực nguyên liệu, luyện kim, viễn thông của Nga đang tích cực gia tăng sự có mặt của họ tại khu vực đầu tư cuốn hút này.Vùng Viễn Đông của Nga có tiềm năng to lớn có thể tham gia thúc đẩy phát triển mối quan hệ đầu tư thương mại với các nước ASEAN.
Phía Nga luôn khẳng định niềm tin rằng quan hệ của Moscow với các nước ASEAN sẽ phát triển tốt đẹp và tiến tới xây dựng một định dạng hợp tác chung của khu vực trên mọi lĩnh vực. Cũng cần phải khẳng định rằng trong tiến trình phát triển quan hệ Nga-ASEAN, Việt Nam có vai trò rất quan trọng nhờ sự nổ lực không ngừng nhằm thúc đẩy quan hệ hai bên ngày càng phát triển thực chất và hiệu quả hơn. Điều này thể hiện rõ ràng trong Tuyên bố chung Việt Nam-Nga nhân chuyến đi thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 5-8/9/2018 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Việt Nam khẳng định tích cực ủng hộ các nổ lực của ASEAN và Nga hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Nga-ASEAN theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị cấp cao Nga-ASEAN ( thành phố Sochi, 19-20/2016, mở rộng hợp tác Nga-ASEAN trên các hướng chủ đạo như: Bảo đảm hòa bình và ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương, đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, thương mại và đầu tư, khoa học và công nghệ, năng lượng và nông nghiệp, hợp tác văn hóa và nhân văn”
PGS.TS Nguyễn Duy Dũng

Viện nghiên cứu Đông Nam Á