Mô hình thả cá của hộ nghèo Phạm Bá Khâm, bản Tân Sơn, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Dịp về huyện Quan Hóa vừa qua, chúng tôi được đồng chí Phạm Quang Đó - Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Những năm qua cùng với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, huyện Hội đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “CCB gương mẫu”, hội viên CCB thi đua giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Để giúp hội viên có vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua Hội đã tích cực vận động hội viên khai thác các nguồn vốn tại chỗ, xây dựng các tổ tiết kiệm và đấu mối nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Tính đến hết năm 2018, Hội nhận ủy thác trên 27 tỷ đồng, cho gần 800 hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Có vốn, nhiều hội viên đã đầu tư phát triển kinh tế VAC, vườn rừng, trại rừng, nông - lâm, kết hợp chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên; nâng tổng số hội viên khá, giàu trên địa bàn huyện lên 35%, hội viên nghèo chỉ còn 4,27%.

Không chỉ riêng Hội CCB có nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên giảm nghèo, những năm qua, cùng với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ như đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng khó khăn theo Chương trình 135, Chương trình 30a, chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất... huyện Quan Hóa còn triển khai các mô hình hỗ trợ chính sách giảm nghèo cho các hộ nghèo vùng khó khăn, giúp họ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, lãnh đạo huyện Quan Hóa chỉ đạo các địa phương rà soát, điều tra, xác định chính xác đối tượng thụ hưởng chính sách bảo đảm tính minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, từ đó hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất nhằm khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng... Đồng thời các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hướng dẫn cách sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao KHKT công nghệ để người dân áp dụng vào phát triển kinh tế nhằm xóa nghèo nhanh và bền vững. Sau khi tổng điều tra, rà soát theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, đầu năm 2016, toàn huyện có 3.817 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,46%, năm 2017 còn gần 23% và năm 2018, số hộ nghèo thoát nghèo là 841 hộ, tương đương tỷ lệ 7,19 % (từ 22,82% xuống còn 15,63%).

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Quan Hóa vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, như: Một số mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi chưa duy trì và nhân ra diện rộng; tái cơ cấu ngành nông nghiệp chậm. Mức độ đầu tư, quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, số lượng, chất lượng sản phẩm không cao, sức cạnh tranh trên thị trường thấp; việc điều tra, rà soát hộ nghèo hằng năm thực hiện đúng quy trình nhưng có xã kết quả chưa được như mong muốn, chưa phản ánh đúng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn...

Thời gian tới, một trong những mục tiêu lớn của huyện trong công tác giảm nghèo là tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là tiếp cận vốn vay để sản xuất, phát huy tính tự lực, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh việc hộ nghèo có tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ, không vươn lên thoát nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Quan Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời từ việc triển khai những dự án, mô hình phù hợp với điều kiện địa phương sẽ nhân rộng, khuyến khích người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Dương Sơn