
Trong những năm chiến tranh ác liệt, nơi đây đã nổi lên các phong trào thi đua yêu nước “Gió đại phong”, “Hai giỏi” của tỉnh. Huyện Lệ Thủy cũng là một trong những đơn vị lập nhiều chiến công trong đánh Mỹ và trong sản xuất, làm tốt nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường.
Hội CCB huyện đã làm nòng cốt trong mọi phong trào địa phương, vận động hội viên tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, gương mẫu thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chương trình kế hoạch hoạt động của địa phương như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng nhà tình nghĩa, tìm kiếm mộ liệt sĩ…
Nhớ lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê: “Đảng bộ và nhân dân Lệ Thủy phải phấn đấu vươn lên hơn nữa, xây dựng quê hương giàu đẹp”, 5 năm qua, hơn 350 hộ gia đình hội viên đã thoát nghèo, số hộ khá và hộ giàu đạt gần 1.500 hộ (chiếm hơn 50%). Toàn huyện có 26 doanh nghiệp của CCB làm ăn có hiệu quả, có doanh nghiệp thu trên 2 tỷ đồng/năm; có 85 mô hình trang trại trồng cây công nghiệp, cây lấy gỗ, chăn nuôi gia cầm. Hội có gần 500 gia đình hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, 2 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, 4 hội viên cấp tỉnh và 40 hội viên cấp huyện.
Ở Lệ Thủy, ai cũng khâm phục CCB Nguyễn Văn Nôi ở xã Mai Thủy, đã vượt khó vươn lên làm giàu. Với quyết tâm phát triển cây cao su tiển điền, ông Nôi đã vận động gia đình lên khai khẩn đất hoang ở vùng hồ Đập Nâng. Ban đầu trồng cao su đạt kết quả tốt, anh mở rộng thêm diện tích trồng thông nhựa và cây lấy gỗ. Đến nay, màu xanh của trang trại đã phủ kín gần 7ha cao su, 5ha thông nhựa, 1,5ha keo lai tràm hoa vàng, trong đó có gần 5ha cao su đã bước vào thời kỳ khai thác. Ông Nôi cho biết, muốn nâng cao hiệu quả kinh tế, tự trang trải, ông phải trồng nhiều cây màu ngắn ngày, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, vịt, nhờ đó hàng năm tổng thu nhập trang trại của ông khoảng 700 triệu đồng, lãi 300 triệu đồng. Ông đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương.
Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, CCB huyện luôn gương mẫu thực hiện tình nguyện hiến đất, hiến cây, hiến công, hiến tài sản phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng ngàn ngày công để xây dựng đường liên thôn, xã. Thông qua các hoạt động của phong trào, Hội đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ như các chương trình “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Hành quân về nguồn”, cùng sinh hoạt với chi đoàn để nói chuyện truyền thống. Hội luôn luôn lắng nghe, chia sẻ bằng nhiều việc làm thiết thực nhằm dìu dắt, giáo dục, kết nạp thanh niên vào Đoàn, vào Đảng, cảm hóa nhiều đối tượng hư hỏng trở nên tiến bộ.
Công tác xây dựng Hội cũng được chú trọng, chất lượng của đội ngũ cán bộ Hội các cấp được nâng cao, đã góp phần tích cực vào hiệu quả công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, giữ gìn trật tự an ninh xã hội. Hội CCB toàn huyện có 9.500 hội viên, hàng năm 100% số hội viên đạt danh hiệu hội viên gương mẫu, hơn 40% số Hội cơ sở được công nhận Hội trong sạch vững mạnh xuất sắc.
Phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, Hội CCB huyện Lệ Thủy luôn luôn đoàn kết, gương mẫu, đổi mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hội đã được T.Ư Hội CCB Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước.
Phạm Xuân Lục