Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa.

Dù đã nộp đủ tiền trúng đấu giá đất ở từ năm 2019, nhưng 10 hộ dân tại xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) đến nay vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc chậm trễ này có dấu hiệu tắc trách của một số cán bộ và cơ quan chức năng liên quan…

Theo trình bày của 10 hộ dân, họ là những người đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) thuộc khu đất đấu giá xã Hoằng Ngọc (MBQH số 139 và 140) được Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa phê duyệt ngày 6-8-2018 và tổ chức đấu giá năm 2019.

Trước khi tham gia đấu giá, 10 hộ dân đã nộp 420.000.000 tiền đặt cọc và các khoản tiền phí tham gia đấu giá tại trụ sở UBND xã, cho bà Hòa - kế toán ngân sách xã Hoằng Ngọc. Sau khi trúng đấu giá, mọi người tin tưởng và nhờ bà Hòa nộp tiền trúng đấu giá với số tiền là 3.375.700.000 đồng. Khi nộp tiền, bà Hòa đều có các Biên lai thu tiền do Sở Tài chính vật giá phát hành, có đóng dấu treo của UBND xã Hoằng Ngọc làm căn cứ, xác nhận việc thu tiền của từng người.

Sau đó, bà Hòa đã làm thủ tục nộp toàn bộ số tiền trúng đấu giá đất của 10 hộ dân (gồm tiền sử dụng đất còn phải nộp, tiền lệ phí trước bạ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền chậm nộp) và cung cấp cho những người đã nộp tiền trúng đấu giá đất các Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo đúng mẫu quy định kèm theo Thông tư số 84/2016/TT-BTC ngày 17-6-2016 của Bộ Tài chính. Đồng thời, các hộ dân được làm hồ sơ kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Phòng TNMT huyện Hoằng Hóa.

Các lô đất người dân trúng đấu giá vẫn đang là cánh đồng.

Bất ngờ, ngày 20-10-2020, 10 hộ dân đã trúng ĐGQSDĐ xã Hoằng Ngọc nhận được Văn bản số 415/KBHH ngày 19-10-2020 và văn bản số 414/KBHH ngày 4-10-2020 của Kho bạc (KB) Nhà nước Hoằng Hóa với nội dung: Sẽ có văn bản gửi cho UBND huyện Hoằng Hóa, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thuế huyện Hoằng Hóa để tiến hành điều chỉnh những Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước có tên của các ông, bà sang đúng tên và lô đất của ông Lê Ngọc Chung, ông Mai Thanh trúng đấu giá để đảm bảo đúng nguồn tiền của người nộp.

Ông Lê Trung Kiên - một trong những hộ dân nhận được Văn bản số 415 nêu trên bức xúc cho biết: Thật là bất bình với Văn bản 415 của KB Hoằng Hóa. Bởi lẽ, ông Kiên và các hộ dân không biết ông Lê Văn Chung là ai, không hề có quan hệ giao dịch gì với ông Lê Văn Chung; số tiền chúng tôi nộp cho bà Hòa thì có liên quan gì đến ông Lê Văn Chung, dựa trên cơ sở nào để cho rằng số tiền của chúng tôi nhờ bà Hòa nộp thay là không đúng quy định?

Theo tìm hiểu của PV, các ông Lê Văn Chung, Mai Thanh cũng là người trúng ĐGQSDĐ tại xã Hoằng Ngọc năm 2019 cùng với 10 hộ dân nêu trên (tham gia đấu giá và trúng đấu giá cùng đợt, hai mặt bằng tổ chức đấu giá cùng thời điểm là có 82 người). Ông Chung, ông Thanh cùng bà Nguyễn Thị Lan Anh (cán bộ KB) đã đến Ngân hàng NNPTNT huyện Hoằng Hóa nộp tiền trúng ĐGQSDĐ hơn 3 tỷ đồng vào KB Hoằng Hóa. Nhưng sau một thời gian, KB lại cho rằng số tiền ông Chung, ông Thanh nộp đã được bà Hòa - kế toán ngân sách xã Hoằng Ngọc đến điều chỉnh sang cho 10 người trúng đấu giá nêu trên (bà Hòa đã chết từ tháng 10-2019).

Theo Luật sư Nguyễn Công Hiếu, thuộc Công ty Luật TNHH Techco Đoàn luật sư T.P Hà Nội cho biết: Nếu như tiền đã vào tài khoản của KB mở tại Ngân hàng mà KB làm thất thoát thì cán bộ của KB và Giám đốc KB Hoằng Hóa là ông Nguyễn Đức Uyên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nếu như ông Nguyễn Đức Uyên và cán bộ KB trình bày là bà Hoà đã lợi dụng Giấy nộp tiền của ông Chung, ông Thanh để phiên ra thành các Giấy nộp tiền khác nhau của các hộ dân là điều không phù hợp, trừ khi có hành vi thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho hành vi sai phạm của các cán bộ KB Hoằng Hoá. Tôi nhận thấy có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của các cán bộ KB Hoằng Hóa được quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015.

Văn bản số 415 và 414 của KB Hoằng Hóa nêu trên thực chất là nhằm trốn tránh trách nhiệm của KB đã được Cơ quan CSĐT nêu tại Công văn số 3768/VPCQCSĐT ngày 4-8-2020 là “Do số tiền ông Thanh và anh Chung nộp đã được chuyển đến tài khoản của KB Hoằng Hóa, vì vậy KB Hoằng Hóa phải có trách nhiệm trong việc giải quyết đối với khoản tiền này”. Tôi cho rằng nội dung quy rõ trách nhiệm bồi thường của KB Hoằng Hóa đối với khoản tiền của ông Lê Văn Chung là đúng. Nếu ông Chung hoặc Thanh có tranh chấp với Ngân hàng hoặc KB về khoản tiền đã nộp thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. KB Hoằng Hóa không thể hành động và giải quyết theo kiểu “đánh bùn sang ao”, chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm của KB Hoằng Hóa trong việc thu nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Nếu theo như nội dung tại Văn bản số 415, 414 của KB Hoằng Hóa thì những Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước có chữ ký tươi, dấu đỏ của Thủ quỹ, kế toán, Kế toán trưởng của KB Hoằng Hóa là vô giá trị hay sao? Vậy thì phải chăng những cá nhân đã ký vào các Giấy nộp tiền này đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của các cá nhân? Đây là những sai phạm hết sức nghiêm trọng của KB Hoằng Hoá, cần phải được điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Được biết, trong danh sách 82 người trúng đấu giá đất hai mặt bằng số 139 và 140 tại xã Hoằng Ngọc thì có đến hơn 70 người trúng ĐGQSDĐ nộp tiền cho bà Hòa, đến nay đã có khoảng 60 người đã nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Hoằng Hóa cấp. Việc KB Hoằng Hóa cho rằng bà Hòa đã điều chỉnh tiền của ông Chung, ông Thanh sang cho các hộ dân trúng đấu giá đất xã Hoằng Ngọc là hoàn toàn vô lý. Bà Hòa đâu phải là người của KB để có thể điều chỉnh được số tiền đã nằm trong tài khoản của KB, nay bà Hòa đã chết không đối chứng thì phải chăng KB muốn đẩy hết trách nhiệm cho người đã chết nhằm chối bỏ trách nhiệm của mình?

Hoàng Thanh