Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thanh chăm sóc vườn sầu riêng.

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, những năm qua nhiều cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Cư M’gar đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình, mang lại hiệu quả cao.

Sau nhiều năm tích lũy, năm 2009 gia đình CCB Nguyễn Văn Thanh (ở buôn Ko H’Neh, xã Cuôr Đăng) mua được gần 2 ha đất trồng cà phê. Tuy nhiên, do cà phê già cỗi, năng suất thấp, ông Thanh trăn trở nghiên cứu, tìm hiểu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Ông mạnh dạn nhổ bỏ một phần diện tích cà phê già cỗi và đầu tư trồng hơn 100 cây sầu riêng giống Dona, Ri 6 và trồng xen hơn 600 trụ hồ tiêu. Sau đó ông tiếp tục nhổ bỏ diện tích cà phê còn lại để trồng hơn 200 cây bơ, trên 50 cây mít Thái, 50 cây sầu riêng cùng nhiều loại cây ăn quả khác; đồng thời tái canh lại cà phê với giống mới TR4, cà phê xanh lùn.

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc vườn cây, các loại cây trồng của gia đình ông Thanh đều phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Năm 2020, gia đình ông thu về hơn 2 tấn cà phê nhân, 10 tấn sầu riêng, 6 tấn bơ, 2 tấn hồ tiêu, 1 tấn mít…, thu nhập hơn 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.

CCB Nguyễn Trọng Sách ở buôn Jốk (xã Ea H’đing) cũng là điển hình làm kinh tế giỏi nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trước đây, vườn cây với diện tích 7 sào của gia đình ông Sách chỉ độc canh cà phê nên hiệu quả không cao. Năm 2001, ông bắt đầu tiến hành trồng xen hơn chục cây sầu riêng giống Cái Mơn. Đến năm 2013 gia đình ông tích góp mua thêm được 2 ha đất để trồng cao su. Do diện tích cà phê đã già cỗi (được trồng từ năm 1995) nên ông Sách quyết định chặt bỏ cà phê để chuyển đổi trồng hồ tiêu và hơn chục cây bơ. Năm 2018, ông Sách tiếp tục đầu tư trồng xen thêm 100 cây sầu riêng giống Dona. Hiện nay, vườn cây đa canh của gia đình ông mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm; tạo việc làm ổn định cho 2 lao động ở địa phương với thu nhập hằng tháng từ 5 - 6 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện Cư M’gar còn nhiều CCB đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cho thu nhập cao, ổn định hằng năm từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như: CCB Nguyễn San (thôn 9, xã Ea Kiết) với mô hình sản xuất cà phê thóc sạch đạt chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt) xuất khẩu sang châu Âu, cho thu nhập hằng năm (sau khi trừ chi phí đầu tư) trên 1,1 tỷ đồng; CCB Lê Thanh Tịnh (thôn Hiệp Thắng, xã Quảng Hiệp) với mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng cho thu nhập hằng năm đạt 400 triệu đồng; CCB Cao Khả Bảo (thôn Thác Đá, xã Ea Kuêh) canh tác cà phê, hồ tiêu và cao su cho thu nhập hằng năm khoảng 700 triệu đồng...

Theo: baodaklak