Ông Phạm Văn Quảng trồng cam V2 cho hiệu quả kinh tế cao.

Ở tuổi 62, ông Phạm Văn Quảng, thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, làm chủ một trang trại cam, bưởi rộng hơn 1ha với hàng trăm gốc, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Từng là giám đốc của một công ty xây dựng có tiếng của tỉnh Yên Bái, năm 2014, ông Phạm Văn Quảng quyết định về quê an hưởng tuổi già. Nhưng không nghỉ, ông cải tạo vườn tạp quanh nhà để trồng cam Valencia - V2. Ông Quảng giải thích: “Hiện nay cam Vinh hay cam sành đã bão hòa vì vậy tôi phải chọn hướng sản xuất khác đi thì hiệu quả kinh tế mới cao”.

Để thành công với cây cam V2, ông nhiều lần ngược xuôi khắp Viện Di truyền nông nghiệp, rồi huyện Cao Phong, Hòa Bình để học hỏi kinh nghiệm trồng cam theo hướng hữu cơ. Bởi theo ông: “Để cam của mình có uy tín, bán được giá thì các sản phẩm phải sạch, đảm bảo kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt, tuyệt đối không được bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu. Mặt khác, trồng cam hữu cơ mới giữ được màu cho đất”. Vậy là cá tép dầu, đậu tương... ông mang về ngâm, ủ, vỏ trấu thì đốt ủ thành phân, rồi mua thêm phân bò, phân gà kết hợp phân xanh để bón cho cây cam. Để trừ sâu bọ, ông dùng chế phẩm sinh học rồi trồng đan xen một số loại cây có tính khắc chế như: tỏi, ớt, cà gai leo… nuôi thêm ong, vừa hạn chế sâu bệnh hại vừa giúp cây thụ phấn tốt hơn.

Với cách làm đó từ năm 2018 đến nay, vườn cam V2 của ông đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, vườn cam của ông Quảng có 600 gốc, thì 300 gốc cho trái ngọt. Thời điểm này, khi các giống cam khác hết vụ thì cam của ông đang vàng óng ả, chùm nào cũng trĩu quả, hứa hẹn vụ này tiếp tục bội thu...

Anh Hải