Đốn hàng trăm cây keo của dân không “ý kiến”
Chiều 01.8, chính quyền địa phương xã Hương Giang và Chi nhánh điện lực huyện Hương Khê đưa nhiều người đến đốn hạ vườn cây keo gần đến tuổi khai thác mà không hề có đền bù hay thỏa thuận nào với gia đình Cụ.
Cụ Ngụ bất bình: “Địa phương làm kênh dẫn nước từ đập Họ Võ đi qua vườn nhà, xã đền bù một khu đất ở Đồng Hà cho gia đình. Năm 2003 gia đình trồng cây keo lên khu đất này. Đến năm 2006 nhà nước làm đường dây điện cao thế qua vườn. Nhưng không hề có sự đền bù hay hỗ trợ nào cho gia đình. Đất của bà, cây bà trồng, bà sai chổ nào thì nói cho bà biết, chứ cớ sao không đền bù mà xã lại ngang nhiên xuống chặt cây, không những thế trưởng công an xã và 2 công an viên còn ép giữ bà”.
Việc chặt cây, giải tỏa hành lang an toàn đường dây điện là điều cần thiết phải làm nhưng tự ý chặt cây của dân thì phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Nguyên nhân dẫn đến mẹ Liệt sỹ bức xúc và bất bình xuất phát từ việc giải phóng mặt bằng năm 2006 làm đường dây điện đi qua vườn mà không có đền bù. Cây thì trồng từ 2003, nay cây đã lớn bằng bắp chân và cao gần tới dây điện, ảnh hưởng đến an toàn hành lang đường dẫn điện.
Ngoài vườn cây của mẹ Liệt sỹ bị đốn hạ cùng lúc đó, xã Hương Giang phối hợp với Chi nhánh điện lực Hương Khê đốn hạ nhiều cây keo gần đến kỳ thu hoạch của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Trọng Đạt.
Ông Nguyễn Trọng Đạt cho biết: “Năm 1964, gia đình ông di dân từ huyện Đức Thọ lên khai sơn lập địa ở đây, đến nay đã gần 50 năm. Lúc đường điện thi công thì cây keo đã được 3 – 4 năm tuổi, khi đó họ không nói gì với chúng tôi, giờ keo tốt chạm đường dây điện, họ tự ý đi vào chặt phá. Chúng tôi cũng nhận thức rõ ràng rằng: lợi ích của gia đình và lợi ích Quốc gia đi liền với nhau không tách rời. Nhưng chặt cây thì phải đền bù cây và diện tích hành lang đường dây điện đi qua cho chúng tôi chứ”.
“Chúng tôi không biết đất của ai và …”
Chiều 02.8, Ông Phạm Lương Trung, giám đốc chi nhánh điện lực Hương Khê cho hay: Năm 2006 làm đường dây điện 350kv thuộc dự án OPEC do xã Hương Giang làm chủ đầu tư. Làm đường dây cao thế nên điện lực quản lý. Khi thi công thì phải đền bù hoặc xã cam kết tự giải tỏa mặt bằng. Còn chuyện phát hành lang an toàn là chuyện thường xuyên phải làm. Chúng tôi chỉ quản lý đường dây truyền tải chứ hành lang nằm trên đất của xã chúng tôi không biết đất của ai và đã đền bù cho dân chưa.
Cùng ngày, ông Phan Đình Hùng, chủ tịch UBND xã Hương Giang trao đổi việc chặt cây của cụ Ngụ và ông Đạt như sau: Ngày 31.7, sau bảo số 3, điện lực tổ chức kiểm tra và phát hiện vườn keo của bà Liên (tức là cụ Ngụ) và ông Đạt vướng dây điện nên tới vận động gia đình chặt cây nhưng gia đình không đồng ý. Tối hôm đó điện lực cúp cầu dao điện của 2 xóm 6 và 7, sau đó bàn bạc với UBND xã giải tỏa hành lang. Chiều 01.8, Chi nhánh điện lực Hương Khê và Chính quyền xã Hương Giang, công an xã cho lực lượng đến áp đảo chặt hàng trăm cây keo của 2 gia đình. Việc đền bù thì ngân sách địa phương không cho phép nên các hộ phải chấp nhận hy sinh…
Mặt khác ông lại thừa nhận, khu đất trên của cụ Ngụ được chính quyền đền bù do khi làm kênh dẫn nước đập Họ Võ đi qua vườn Cụ. Còn đất của ông Đạt thì đã có từ lâu nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Vấn đề ở đây không phải đơn thuần ở việc đền bù hành lang đường điện cho mấy hộ dân của xã Hương Giang, mà dư luận, người dân quan tâm là khi thực hiện dự án đường dây điện 350kv đi qua lại “bỏ qua” khâu đền bù đất và tài sản trên đất cho các hộ dân trong hành lang có đường điện đi qua?
Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lời (?!)
Lê Anh Thi