
Tuy nhiên, cái khó không bó nổi những cách làm mới, hiệu quả của bà con ngư dân khi hiện đang có hàng loạt những tổ đội đánh bắt, rồi nghiệp đoàn nghề cá ra đời, bắt đầu ở Đà Nẵng, rồi nhân ra Quảng Nam, Quảng Ngãi… và đến nay, nhiều địa phương khác đang áp dụng như một mô hình mới đầy hiệu quả trong hoạt động đánh bắt cá xa bờ, giúp bà con bám biển dài ngày và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Mô hình tổ đội và nghiệp đoàn nghề cá thực ra không mới, nhưng do nhiều lý do, chủ yếu là lý do kinh tế, nên chưa phát triển rộng ở các địa phương ven biển nước ta. Đến nay, được sự giúp đỡ của Nhà nước, của các ngành chức năng và của chính bà con ngư dân, mô hình này đang được phát triển mạnh với sự tham gia của đông đảo ngư dân và với những nguồn đầu tư lớn, trang bị tàu có công suất lớn phục vụ khai thác hải sản dài ngày trên biển. Giúp bà con ngư dân tiết giảm chi phí và để nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, Dự án giữa Việt Nam và CH Pháp đang được thực hiện, sẽ trang bị miễn phí 3.000 thiết bị liên lạc vệ tinh cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển nhằm nâng cao năng lực giám sát hoạt động và quản lý nguồn lợi hải sản, đồng thời tăng cường đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển. Các hoạt động của tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá đang phát triển mạnh, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung. Ở các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú của huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) là những địa phương làm nghề cá, hiện có 31 “Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển” với 214 tàu, 199 tổ viên và 1.984 lao động. Qua quá trình hoạt động trên biển, hoạt động của các tổ ngư dân đã chứng minh đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, tình nghĩa người dân với nhau được nâng cao khi sản xuất trên biển họ có sự thỏa hiệp khai thác cùng ngư trường, thông báo cho nhau về luồng cá, kinh nghiệm đánh bắt; đồng thời trợ giúp nhau kịp thời khi gặp khó khăn như tàu hỏng, hết nhiên liệu… nhiều chuyến biển, mỗi tàu thu được 250-300 triệu đồng.
Tỉnh Quảng Ngãi đang phấn đấu xây dựng 10 HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xung quanh các cửa biển Sa Kỳ, Sa Cần, Cửa Đại, Sa Huỳnh nhằm cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá và đánh bắt xa bờ, chủ động khai thác và tránh việc ép giá của các đầu nậu, tăng thu nhập thực tế cho bà con ngư dân. Ngoài việc ra đời của các tổ đội, Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (huyện đảo Lý Sơn) là nghiệp đoàn nghề cá được thành lập đầu tiên trong cả nước (ngày 15-9-2011), từ 428 hội viên ban đầu, đến nay đã kết nạp được 687 hội viên (trong đó có rất nhiều CQN và hội viên CCB) là ngư dân của 58 tàu đánh cá, cùng nhau đánh bắt cá và tương trợ nhau trên những ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt những khi thiên tai hoặc bị tàu nước ngoài đe dọa; hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nghiệp đoàn thường xuyên phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; các quy định trên biển nên từ ngày thành lập đến nay, không có tàu nào trong nghiệp đoàn bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản, đòi tiền chuộc. Mới đây nhất, vào ngày 14-4, tàu QNg 96218 TS của ông Võ Nam đánh bắt từ Hoàng Sa trở về, bị chết máy tại vùng biển Quy Nhơn đã được nghiệp đoàn và gia đình thuê tàu kéo về đến cảng Sa Kỳ an toàn. Trước đó, ngày 23-3, tàu QNg 96318 TS do ông Lê Văn Thành làm thuyền trưởng bị gãy cây lắp, trôi dạt tại vùng biển Hoàng Sa đã được tàu ông Lê Khởi, đoàn viên nghiệp đoàn kịp thời cứu hộ, lai dắt về đảo Lý Sơn… Ở tỉnh Khánh Hòa, hiện có khoảng 500 tàu cá trên 90 CV đã được chủ tàu đăng ký vào tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển với 104 tổ đội. Tại cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang), Hội Nghề cá, Sở NNPTNT tỉnh và Công ty thủy sản Hải Vương vừa tổ chức lễ xuất quân ra khơi khai thác và thu mua hải sản tại vùng biển Trường Sa - Hoàng Sa, DK 1 dựa trên tổ hợp tác 6 ngư đội mang tên các hòn đảo của huyện đảo Trường Sa là Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn, Đá Lát, Đá Nam, mỗi ngư đội có 5 tàu con chuyên câu cá ngừ đại dương và tàu mẹ Hải Vương 68 có công suất 1.200 CV, tổng dung tích tàu mẹ là 640m3 được trang bị hệ thống làm lạnh cấp tốc, các tàu được trang bị máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh GPS để liên lạc với nhau chặt chẽ. Sản phẩm cá ngừ đại dương sau khi được các tàu con đánh bắt sẽ được tàu mẹ thu mua, sơ chế, bảo quản và đem vào bờ tiêu thụ; tàu mẹ có nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm với giá như đất liền để tạo điều kiện cho tàu con bám biển dài ngày…
Tuy mới đi vào hoạt động nhưng các mô hình hợp tác trong tổ, đội; trong nghiệp đoàn nghề cá tại các địa phương ven biển nước ta đã chứng minh có hiệu quả kinh tế lớn, giúp bà con tiết giảm chi phí về nước ngọt, về xăng dầu, về đá cây, về thời gian đi lại trên biển, đem về sản lượng cá cao và điều quan trọng hơn là khẳng định chủ quyền Việt Nam trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa…
Bài và ảnh: Quốc Huy