Hội viên CCB, thương binh 4/4 Nguyễn Văn Ngâm (thứ hai từ trái sang), ở xã Đông Mỹ, Thanh Trì, T.P Hà Nội nuôi cá thoát nghèo từ vốn vay Ngân hàng CSXH.

Ngày 17-7, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị giao ban về công tác vay vốn và thực hiện ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và Hội CCB Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019. Trung tướng Nguyễn Văn Đạo - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự có đồng chí Bùi Quang Vinh - Phó tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam..

Qua báo cáo và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, các tổ chức Hội CCB Việt Nam trong cả nước hoàn thành tốt nhiệm vụ được ủy thác, giữ vững và nâng cao chất lượng ủy thác, chất lượng tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn vay. Công tác phối hợp từ T.Ư Hội đến các cấp Hội với Ngân hàng CSXH Việt Nam, đến các chi nhánh, phòng giao dịch là chặt chẽ, thường xuyên. Việc phối hợp giữa hai cơ quan các cấp Hội và Ngân hàng CSXH đã thành nền nếp chặt chẽ; xác định trách nhiệm cao để hoàn thành các kế hoạch đề ra.

Đến 30-6-2019, vay vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng CSXH ủy thác qua Hội CCB Việt Nam tăng 2.013 tỷ đồng so với năm 2018 (đạt 111,8% kế hoạch). Tổng dư nợ ủy thác là 32.356 tỷ đồng, với 1.074.733 hộ vay, thuộc 31.158 tổ tiết kiệm - vay vốn (TKVV); nợ quá hạn là 0,44%. Bằng các nguồn vốn huy động cùng vốn vay của Ngân hàng CSXH, các tổ chức Hội và hội viên CCB cả nước giải quyết được 68.650 lao động và việc làm cho CCB và con cháu. Sáu tháng đầu năm giảm được 12.002 hộ CCB nghèo, 11.672 hộ CCB cận nghèo, xóa được 2.628 nhà dột nát, tạm bợ cho hội viên. Chất lượng tổ TKVV 6 tháng đầu năm 2019 được nâng cao đáng kể với 23.993 tổ tốt; tổ khá 4.411 tổ... Chất lượng hoạt động thực hiện ủy thác ở cơ sở đã được nâng lên; các cấp Hội thực sự quan tâm, tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền vận động hộ vay thực hiện trách nhiệm và quyền lợi của mình.

Trung tướng Nguyễn Văn Đạo cho biết: Các cấp Hội trong cả nước đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua kiểm tra, không có chiếm dụng, tham ô, phát sinh mới của cán bộ Hội và Tổ trưởng Tổ TKVV do CCB quản lý. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đối với hội viên nhận diện tác hại, hậu quả, thủ đoạn hoạt động của tín dụng đen. Hội CCB tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với chi nhánh, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH tiến hành tập huấn phổ biến kiến thức cũng như các chính sách, quyết định của Hội đồng quản trị... hiểu rõ chính sách, làm đúng các cam kết, nhằm nâng cao chất lượng ủy thác.

Bên cạnh những thành tích đạt được, các báo cáo và ý kiến cũng thẳng thắn nêu lên một số vấn đề còn hạn chế trong hoạt động vay vốn và nhận ủy thác của Hội CCB các cấp và Ngân hàng CSXH trên cả nước để đưa ra biện pháp khắc phục. Đó là, chất lượng thực hiện hoạt động ủy thác, nhất là cấp xã còn thấp, như: Một số cấp Hội không cử cán bộ Hội tham dự cuộc họp bình xét vay vốn; không kiểm tra sử dụng vốn vay; không tham gia giám sát hoạt động giao dịch xã; lưu giữ hồ sơ... Đến nay vẫn còn Hội CCB ở 1.861 xã, phường chưa có Tổ TKVV thực hiện ủy thác của Ngân hàng CSXH (Thanh Hóa còn 269 xã, Nam Định 106 xã...) nên đưa nguồn vốn ưu đãi đến được với các CCB diện chính sách còn nhiều khó khăn. Mặc dù không có vụ việc chiếm dụng, tham ô phát sinh, tuy nhiên Hội vẫn còn 9 vụ tồn đọng ở Lạng Sơn, Đà Nẵng, Bình Phước, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Phú Yên với số tiền 154 triệu đồng chưa thu hồi được. Nhận thức về công tác vay vốn, nhận ủy thác của một số cán bộ Hội ở cơ sở còn chưa chuẩn…

Từ những vấn đề này, Hội nghị yêu cầu Hội CCB các cấp và các đơn vị thuộc Ngân hàng CSXH trên cả nước cần: Tích cực tuyên truyền và thông tin công khai các chủ trương chính sách liên quan đến tín dụng ưu đãi và tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay và sử dụng vốn vay có hiệu quả. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương khó khăn, các huyện, xã miền núi (hỗ trợ phụ cấp, thù lao cho trưởng thôn, xóm, ấp, khóm...). Có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với CCB trong phát triển kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, THT được tiếp cận các nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại 5 tỉnh Tây Nam Bộ; kịp thời đề xuất xử lý các tồn tại, phát sinh. Tất cả để công tác vay vốn và thực hiện ủy thác của Ngân hàng CSXH và Hội CCB Việt Nam đạt kết quả cao nhất, góp sức để các CCB xóa giảm đói nghèo và vươn lên làm giàu.

Quốc Huy