Trong một trận đánh, sau khi dứt điểm căn cứ Đắk Xiêng (Công Tum), Trung đoàn 28 được lệnh tiến về Đắk Lắk san bằng cứ điểm Đức Lập - Pu Pờ Răng, được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Thừa thắng, đơn vị tôi cùng Trung đoàn 66 tham gia chiếm giữ Plây Cần, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Mặt trận B3 khen thưởng.

Tôi được lên chức Trung đội phó và được cử đi học Trường Quân chính B3 (thường gọi là sĩ quan Cầu Lầy). Trường nằm trên một quả đồi thấp, xung quanh là sình lầy. Chúng tôi phải đan phên nứa, vầu, rải trên mặt đường mới đi lại được. Đây là trường bổ túc sĩ quan, vừa học, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa sản xuất tự túc phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.

Tôi thường xuyên được cử đi phía trước, khi đơn vị thiếu cán bộ. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện trên thao trường, chúng tôi phải làm đủ mọi việc tưởng như không chịu nổi. Với tinh thần người lính Tây Nguyên mà anh em thường nói “Ăn B2, ở B3 vào ra B4”, nên “cái ăn” rất vất vả: “Một lạng rưỡi gạo/ngày”, chủ yếu là “sắn cõng gạo”. Riêng tôi và mấy anh em được trên tín nhiệm phụ trách hậu cần, lo lương thực, thực phẩm cho đơn vị, như: Trồng sắn, lấy rau môn thục, bống báng, khoai nước hoặc bẫy chuột. Toàn trường thực hiện khẩu hiệu: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không tiếng” vì ở gần địch phải bí mật đến cùng.

Hiệu trưởng nhà trường là đồng chí Lê Tam (anh em gọi đùa là Tam Vênh). Ông có nhiều thành tích đánh Mỹ ở trận Núi Thành, Quảng Nam. Khi vật nhau giáp lá cà với 3 tên Mỹ, ông đều thắng...; nhưng chúng vặn cổ ông bị vênh. Người thứ hai là Hiệu phó Mộc (anh em gọi đùa là Thiếu tá Mốc), ông cũng là người giàu chiến tích đánh giáp lá cà. Chúng tôi đều cảm phục về hai người chỉ huy đáng kính này.

Một lần tôi được giao nhiệm vụ phụ trách anh em đi lấy rau, măng, sau một tuần huấn luyện. Anh em đều là người Cao Bằng - Thái Nguyên, đó là Nguyễn Quốc Xứng, Nguyễn Văn Thưởng và tôi. Chúng tôi hái được 3 gùi rau rừng và kiếm được một ít chuột rừng, khi đi thăm bẫy. Đặc biệt chúng tôi bắt được 3 con thằn lằn to giống như con cá sấu nhỏ. Vì thương anh em thiếu thịt thú rừng, tôi cho anh em đốt lửa đun nước  bằng ăng gô và nướng 3 con thằn lằn; khối bốc cao trên vòm cây. Vừa lúc, hai chiếc máy bay địch phát hiện nương bên có khói, chúng ném bom vu vơ ở phía nương bên. Bất ngờ, Đoàn kiểm tra của nhà trường đi chuẩn bị địa hình ngang qua. Thiếu tá Tam bắt được khói bên ống cóng (ăng gô) và 3 xiên thằn lằn thơm nức. Ông dùng K54 bắn đổ ăng-gô nước, rồi gọi chúng tôi về gặp Ban Giám hiệu kiểm điểm. Riêng tôi bị khiển trách Đảng (không đạt đảng viên 4 tốt tháng đó). Trước những lời buộc tội quá nặng nề, nâng quan điểm: Không chấp hành quy định, không chịu rèn luyện gian khổ, thiếu thốn, ăn bớt xén thực phẩm, nối giáo cho địch... tôi cùng Thưởng - Xứng cúi đầu nhận tội.

Sau lần bị khiển trách ấy, chúng tôi càng tu dưỡng rèn luyện kiên định vững vàng về tư tưởng, quyết tâm trong huấn luyện, học tập đều đạt khá giỏi, ý thức kỷ luật tốt, nhiệm vụ nào giao cho chúng tôi đều làm tốt; nhất là “công tác hậu cần”, đi lấy măng le đều vượt chỉ tiêu kế hoạch; chặt bống bang, lấy môn thục, khoai nước, đến bẫy chuột rừng ở sình lầy được đến hàng yến rồi gùi hàng cho phía trước. Tôi và anh em được tặng bằng khen, giấy khen. Tháng 3-1971 chúng tôi ra trường. Tôi được phong quân hàm Trung đội bậc phó (phiên ra là Chuẩn úy) và được điều về Ban Tham mưu, phụ trách trợ lý quân lực Trung đoàn 400 Đặc công, đồng chí Tam được chuyển về làm Trung đoàn trưởng đoàn 400 Đặc công. Đến 15-9-1972, Đoàn 400 giải thể, bộ khung chuyển về Trung đoàn 25. Tôi tiếp tục làm trợ lý quân lực Trung đoàn 25, Mặt trận B3.

Ngày 19-8-1974, Trung đoàn 25 đóng quân tại Đắk Lắk bổ sung lực lượng và thành lập Trung đoàn cơ động - tinh nhuệ do ông Hảo, ông Ngãi, ông Tâm phụ trách. Riêng Tiểu đoàn 20B, Trung đoàn 25 chuyển về thành lập Trung đoàn 198 Đặc công. Tôi làm Trợ lý chính trị, chính sách, tuyên huấn của Trung đoàn.

Người ta thường nói: “Miếng ngon nhớ lâu - đòn đau nhớ đời”. Chuyện về ba con thằn lằn ấy đã thấm vào máu thịt, không bao giờ quên trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.

Nguyễn Ngọc Dậu