Đây là một chiến thắng quân sự có ý nghĩa rất lớn trên phương diện quốc tế; lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng quân đội của một nước cường quốc châu Âu và đánh bại ý chí duy trì thuộc địa ở Đông Dương và châu Phi của thực dân Pháp.

Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là chiến thắng của lòng yêu nước, của tinh thần quyết chiến, quyết thắng và trí tuệ Việt Nam được kết tinh và biểu hiện tập trung trong đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ, của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chúng tôi ghi lại hồi ức của các nhân chứng lịch sử, đã trực tiếp chiến đấu và chiến thắng vẻ vang:

Thiều tướng Trần Minh Đức, nguyên Phó giám đốc Học viện Hậu cần bồi hồi nhớ lại: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Trưởng ban Tham mưu của tuyến 3, vận chuyển hậu cần từ ki-lô-mét 61 tới các đơn vị đang chiến đấu ngoài mặt trận, ngày đêm phải bám đường, bám trạm để nhập và xuất lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, trang bị vũ khí, đạn dược đi các nơi. Có ngày, ô tô, xe thồ, người gánh bộ tới dồn dập, vừa kiểm đếm vừa giao nhận, lại phải sơ tán tránh máy bay địch, tất bật quên ăn, quên nghỉ. Có ngày bom đánh tắc đường, người thương vong, xe đổ, hàng cháy, phải cứu chữa, chờ đợi. Hoặc do chiến sự ác liệt, đơn vị không về kịp, Ban Tham mưu phải tổ chức mang hàng vào tận chiến hào, rồi đưa thương binh, tử sĩ ra. Một đại đội đánh đồi A1, anh nuôi nắm 120 nắm cơm nhưng chỉ có 26 người còn sống. Có tổ nuôi quân gánh cơm ra trận địa dọc đường bị bom pháo, cơm canh bay mất, anh nuôi thoát chết chạy về nấu lại. Nhiều đại đội vừa chiến đấu vừa phân công bộ đội vào rừng đào củ mài để ăn thêm cho đỡ đói… Cuộc sống khổ cực, đói khát, mưa rét nhưng ai cũng muốn ra chiến hào, trực tiếp chiến đấu với quân thù.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chu Phác, nguyên Cục trưởng Cục Nhà trường, Tổng biên tập Tạp chí Nhà trường quân đội, nay là Tiến sĩ tâm lý học Phó chủ tịch Hội đồng khoa học, Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý thuộc Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người. Lúc đó, ông là trung đội trưởng xung kích, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, đánh Điện Biên Phủ. Ông nhớ lại: Ngày 24-4-1954, đơn vị tôi nhận lệnh tham gia khắc phục hậu quả máy bay Pháp ném bom sát hại 444 người dân của bản Noong Nhai. Xác người, trâu bò, gà lợn cháy lẫn vào nhau, thương tâm lắm. Sau đó, chúng tôi vào đánh bộc phá tiêu diệt các cứ điểm địch ở trung tâm Mường Thanh. Trong một trận tổng công kích, dưới ánh đèn dù, pháo sáng và chớp đạn, tôi nhìn rõ từng mảng lô cốt bị pháo ta bắn bay lên. Những đường đạn đỏ đan chéo cả hai bên ta và địch. Chúng tôi cứ bám sát nhau lần lượt lên đánh bộc phá mở cửa mở; cứ mỗi phút trôi qua, thương vong lại tăng thêm, nhưng không ai lùi bước. Lúc tôi đang chỉ thị mục tiêu cho đồng chí Soạn lên đánh tiếp thì một loạt đạn pháo của địch trùm lên trước mặt. Tỉnh dậy tôi sờ thấy khắp người dính đầy máu, miệng mặn chát, lay gọi hai đồng đội ở bên thì đã tắt thở, lạnh ngắt từ khi nào. Có trận trung đội chỉ còn ba người sống sót. Những anh em như Giá, Chân, Sản, Nghệu, Vân, Tùng… hi sinh khi còn rất trẻ… Nhiều năm nay tại nhà, tôi xây trên sân thượng một cái am nhỏ để thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh.

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội tâm sự: Tôi là chính trị viên đại đội pháo cao xạ, thuộc Đại đoàn 308, ban đầu bắn máy bay địch canh giữ bến phà Tạ Khoa, sau lên bảo vệ các đơn vị trọng pháo của mặt trận. Trong 56 ngày đêm gian khổ, ác liệt, nhiều đồng đội của tôi vào trận với các tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có ý chí quyết tử vì Tổ quốc. Nhiều người đã chiến đấu và hi sinh anh dũng, thôi thúc tôi viết được những tác phẩm được bạn đọc chú ý như “Lá cờ chuẩn đỏ thắm”, “Điện Biên lửa sáng”… nhất là tiểu thuyết “Cánh đồng phía tây”, được giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm 1994.

Còn Đại tá Hoàng Đăng Vinh nhớ mãi giây phút làm nên lịch sử của mình. Ông kể: Tôi là tiểu đội trưởng tiểu đội 2, trung đội 2, đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Đại đoàn 312. Sau khi vượt qua cầu Mường Thanh, chúng tôi tổ chức bao vây khu hầm Đờ Cát. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh cho tôi cùng anh và anh Nhỏ xuống hầm bắt sống địch. Thấy chúng tôi, khoảng hai chục sĩ quan Pháp liền đứng dậy và cứ sợ sệt lui dần về phía cuối hầm. Anh Luật nói bằng tiếng Pháp:

  • Hô-lê-manh! (Giơ tay lên!).

Tất cả liền giơ tay lên khỏi đầu, riêng Đờ Cát thì vẫn ngồi im. Anh Luật bảo tôi bắt ông ta phải hàng. Tôi tiến lên trước, mắt mở to, môi mím chặt để gây ấn tượng và chĩa khẩu Tôm-xơn về phía ông ta. Đờ Cát đứng lên và chìa tay phải tới tôi. Tôi biết ông ta muốn bắt tay… Nhưng tự nghĩ không thể chấp nhận kiểu đầu hàng này được. Thế là tôi hô một câu tiếng Pháp duy nhất mà tôi biết hồi ấy:

  • Hô-lê-manh! (Giơ tay lên!).

Sau đó ấn mũi súng vào bụng ông ta. Đờ Cát lùi hai bước, giơ hai tay và nói vội một câu tiếng Pháp, được anh Luật dịch luôn:

  • Đừng bắn, tôi xin hàng!

Sau đó chúng tôi dẫn Bộ Tham mưu của Pháp ra khỏi hầm, giao cho cấp trên. Trong cuộc đời binh nghiệp của bất cứ người lính nào, bắt sống một tướng địch là một vinh dự lớn lao. Tôi may mắn được chứng kiến và tham gia vào thời khắc lịch sử ấy, nhưng chiến công đó là công sức và sự hi sinh của biết bao chiến sĩ, đồng đội, của cả dân tộc.

Tô Kiều Thẩm