Đèo Đá Đẽo dài gần 10km ngoằn ngèo trên những sườn núi đá vôi. Gọi là Đá Đẽo vì thời hành quân bộ, người đi trước phải dùng búa và dao bạt đá thành bậc để cho người đi sau đặt chân. Thế mới biết khi trở thành đường xe cơ giới thì phải tốn kém biết bao công sức của lực lượng công binh, TNXP trên tuyến 15A của đường Trường Sơn huyền thoại. Chúng tôi đã quây quần bên tấm bia di tích “Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 đến 1972”.
Nhìn những ngọn núi nhấp nhô, ẩn hiện trong màn sương trắng, tôi nhớ đến người nữ TNXP Đinh Thị Thu Hiệp. Chị sinh năm 1946 trong một gia đình có 7 người con, ở xã Xuân Hòa, huyện Minh Hóa. 18 tuổi, chị viết đơn bằng máu để vào TNXP. Chị được phân công về đèo Đá Đẽo. Với tinh thần “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chị khắc phục khó khăn, dũng cảm nổ mìn mở đường, động viên tiểu đội lao động luôn đạt năng suất từ 120 đến 150%, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong khi đó, 8 năm liên tục không có ngày nào ngớt tiếng máy bay thù. Địch dùng đủ các loại bom phá, bom xuyên, bom bi, bom nổ chậm... để đánh phá. Năm 1967, không quân Mỹ mở chiến dịch 97 ngày đêm, có ngày 27 lần B-52 tới ném bom hòng xóa trắng, chặt đứt đèo Đá Đẽo, chặn tuyến giao thông huyết mạch từ miền Bắc vào miền Nam. Đá xô, núi lở, chị Thu Hiệp vẫn từng ngày, từng giờ bám sát mặt đường, đếm từng quả bom rơi, vác từng thùng đạn nặng hơn cơ thể của mình qua các bãi bom. Cuối năm 1967, khúc cua 516+300 phía tây đèo thường xuyên bị trúng bom. Có lần một quả nổ chậm rơi xuống tim đường, Chị Hiệp yêu cầu mọi người tránh xa rồi một mình vào kích nổ. Lần khác, một đoàn xe 20 chiếc chở hàng vào Nam bị ùn tắc ở chân đèo, chị đã tự nguyện dẫn đường để lái xe vững tâm đưa đoàn xe qua bãi bom an toàn. Chị trở thành những huyền thoại “Trung đội trưởng thép”, “Cọc tiêu sống” trên tuyến đường Trường Sơn và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1972.
Vào tới Quảng Ngãi, tôi may mắn được gặp Thiếu tá Phương Công Phong, Đội trưởng đội dò phá bom mìn của Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng. Anh đang chỉ huy 30 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Hội Ba, xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn, hơn 10 ngày qua đã tìm được 5 quả đạn cối và M79. Phương Công Phong sinh năm 1967, tại xã Tân Hồng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, nhập ngũ năm 1987 vào Trường kỹ thuật công binh, tới nay đã có 15 năm dò phá bom mìn tại các tỉnh miền Bắc, Thừa Thiên Huế và đường Hồ Chí Minh. Khi được hỏi một kỷ niệm đáng nhớ nhất, cái dáng cao lòng khòng của anh như trùng xuống, khuôn mặt sạm nắng hơi suy tư, Công Phong khẳng định: Đèo Đá Đẽo, có thể nói 8 tháng năm 2000 chúng em dò bom ở đây là không cửa, không nhà, xa dân, đói rét. Cả đội ở trong những cái lều bạt nhỏ, ăn rau rừng, lương khô, mì tôm, thịt hộp vì không có chợ, mùa mưa mặc áo mưa đi làm, quần áo ướt phải sấy mới khô, hôi hám lắm, mùa khô ở trần, gió Lào nóng như trong lò nung, muốn tắm thì xuống chân đèo xa hàng ki-lô-mét; nhớ dân là ra rìa đường ngồi đợi, mong thấy một dáng người. Đội đã tìm phá hàng trăm quả bom các loại, giải phóng đất đai để mở rộng đèo và cho địa phương đưa vào sản xuất, trồng rừng.
Tôi nhớ về Đá Đẽo đã đi qua, mặt đèo thênh thang phẳng nhẵn như một dải lụa mềm, quanh co bên sườn núi, những vạt rừng non tươi xanh lẫn trong màu đá. Sương trắng như mây, như khói vương vấn đó đây và những đoàn xe tải, xe du lịch thong dong ngược xuôi, vào Nam, ra Bắc. Đá Đẽo đi vào lịch sử dân tộc bằng những chiến thắng vẻ vang góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất non sông và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước từ những con người bình dị, thân thương.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm