Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS, gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), ngoài việc thông qua Tuyên bố chung Ufa, Kế hoạch hành động và Chiến lược quan hệ đối tác kinh tế, đã chính thức công bố Ngân hàng Phát triển BRICS đi vào hoạt động từ ngày 30-7, lập một Quỹ dự trữ ngoại tệ chung trị giá 100 tỷ USD. BRICS hy vọng hai định chế tài chính này sẽ là sự lựa chọn thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do các nước phương Tây chi phối, nhằm mục tiêu hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển.
Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO, gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan) đã xác định những hoạt động ưu tiên của SCO đến năm 2025, nổi bật là phát triển thương mại, kinh tế, thực hiện chương trình phối hợp chống chủ nghĩa khủng bố, ly khai và chủ nghĩa cực đoan. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử 15 năm hoạt động, SCO đã quyết định tăng số lượng thành viên với việc kết nạp Ấn Độ và Pakistan. Đồng thời, nâng cấp quy chế của Belarus lên cấp độ quan sát viên; các nước Armenia, Azerbaijan, Campuchia và Nepal trở thành đối tác đối thoại. Với việc kết nạp thêm thành viên, tổ chức này đang trở thành một trong những tổ chức phát triển năng động nhất thế giới, là nền tảng để Moscow và Bắc Kinh thiết lập tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Cùng với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Liên minh Kinh tế Á-Âu được mời đến Ufa, đây là lần đầu tiên quy tụ 15 nguyên thủ quốc gia, đại diện cho các châu lục Âu-Á, Nam Mỹ và châu Phi. Như Tổng thống Nga-Vladimir Putin đánh giá: "Xét về tầm quan trọng và quy mô các cuộc gặp, có thể coi BRICS và SCO là những sự kiện đặc biệt quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế. Ẩn chứa trong chính sự đa dạng của các quốc gia thành viên, trong việc kết hợp các truyền thống này là sức mạnh, là tiềm năng to lớn của BRICS và SCO”.
“Những ngày Ufa” còn là thành công ngoạn mục của Nga trong bối cảnh đang bị phương Tây bao vây, cấm vận.
Đức Bình