Hội CCB huyện Yên Lạc trao tiền hộ trợ nuôi bò cho hộ CCB nghèo.

Hội CCB tỉnh Vĩnh Phúc có 11 Hội trên cơ sở, 212 Hội cơ sở, 1.302 chi hội, với hơn 70.000 hội viên. Những năm qua, các cấp Hội CCB luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; cán bộ, hội viên CCB luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Hầu hết các CCB ở Vĩnh Phúc khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội trở về địa phương đều khó khăn về kinh tế; thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, nhiều đồng chí sức khoẻ yếu và mang trên mình nhiều thương tật... Toàn tỉnh có trên 31% hội viên không có lương hưu và trợ cấp xã hội, số đông đã hết tuổi lao động, hạn chế về sức khỏe. Nắm vững đặc điểm, tình hình trên, Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” với nhiều hình thức; động viên được đông đảo cán bộ, hội viên tham gia với quyết tâm cao, mang lại nhiều kết quả thiết thực.

5 năm qua (2016-2021), hoạt động của các mô hình làm kinh tế do hội viên làm chủ giữ vững ổn định, phát triển cả về số lượng, quy mô và hiệu quả. Tổng số có 6.269 mô hình, tăng 3.432 mô hình, so với năm 2016, thu hút 41.262 lao động; có 17 doanh nghiệp, doanh thu trên 50 tỷ đồng, 25 doanh nghiệp có doanh thu trên 10 tỷ đồng, 3 HTX và 50 hộ có doanh thu từ 10 đến 50 tỷ đồng. Các mô hình phát triển tập trung ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống như thu mua, sản xuất phế liệu ở xã Tề Lỗ, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc; nghề mộc ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên; mây tre đan, đồ mỹ nghệ ở xã Cao Phong, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô; chăn nuôi bò sữa ở xã Vĩnh Thịnh, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường; chăn nuôi lợn, gà ở xã Kim Long, huyện Tam Dương và Xã Tam Quan, huyện Tam Đảo…

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dịch tả châu Phi ở lợn, một số mô hình thiệt hại, sản xuất đình trệ, khó khăn tiêu thụ sản phẩm đầu ra, người lao động thiếu việc làm, không có thu nhập. Nhưng với quyết tâm, sáng tạo của chủ các doanh nghiệp; Nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ, đến nay các mô hình sản xuất, kinh doanh do hội viên CCB làm chủ vẫn đứng vững, duy trì hoạt động ổn định và phát triển, thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về nghĩa vụ nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tham gia hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, hoạt động tình nghĩa, đóng góp hiệu quả chương trình phát triển KTXH ở địa phương. Điển hình: Công ty CP Giày Vĩnh Yên do CCB Lê Thanh Thủy - Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội CCB Khối Doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty có vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 4.000 công nhân với thu nhập bình quân từ 5,9-9 triệu đồng/người/tháng. Công ty tích cực hoạt động từ thiện xã hội, hoạt động tình nghĩa, quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Công ty CP thép Trường Biện, do CCB Nguyễn Văn Biện - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cơ sở sản xuất tạ xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, vốn đầu tư 702 tỷ đồng, mở rộng công ty ở khu công nghiệp Đồng Văn 1, tỉnh Hà Nam, có vốn đầu tư là 525,7 tỷ đồng; công suất 200.000 tấn thép/năm; phát triển thêm dự án khu du lịch biển Hoàng Việt tại T.P Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, diện tích 13,5ha; doanh thu đạt từ 700-750 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 350 lao động với mức lương bình quân từ 6,8-8 triệu đồng/ người/ tháng. Công ty TNHH Song Tinh do CCB Mai Thị Hồng Nguyên làm chủ, hoạt động lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thu gom, xử lý chất thải công nghiệp, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 300-400 triệu đồng/năm, tích cực đóng góp, ủng hộ các chương trình từ thiện xã hội, phong trào của Hội từ 450-500 triệu đồng/năm. Nhiều hội viên tiêu biểu khác như: Nguyễn Văn Dư, Hoàng Văn Tẽo…

5 năm qua, Hội CCB tỉnh tích cực chủ động, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phù hợp và hiệu quả để giúp hội viên nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Nhiều hộ nỗ lực phấn đấu trở thành hộ khá, toàn Hội giảm được 658 hộ CCB nghèo, hiện còn 251 hộ, tỷ lệ 0,37%; hộ CCB cận nghèo giảm được 552 hộ, hiện còn 565 hộ, tỷ lệ 0,83%; có 47/136 xã, phường, thị trấn hết hộ nghèo tỷ lệ 34,5% tiêu biểu Hội CCB các huyện: Sông Lô, Yên Lạc, Tam Dương, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Lập Thạch.

Phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế đã tăng cường sự đoàn kết, gắn bó tình cảm của đồng chí, đồng đội, thúc đẩy hoạt động tình nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách đã trở thành phong trào sâu rộng, nét đẹp truyền thống như: Ủng hộ quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, hỗ trợ xây mới 118 nhà, sửa 92 nhà, tổng số tiền 6.272,76 triệu đồng; ủng hộ quỹ “Vì người ghèo” 3.467 triệu đồng; ủng hộ  khắc phục thiên tai, bão lụt 2,3 tỷ đồng; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gần 2,4 tỷ đồng; hỗ trợ hội viên nhiễm chất độc hóa học 772 triệu đồng; quỹ “Khuyến học” gần 1,7 tỷ đồng; các hoạt động tình nghĩa khác 4,4 tỷ đồng. Thăm hỏi tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, hội viên khó khăn trên 1 tỷ đồng. Tham gia tìm mộ liệt sĩ, phát hiện danh tính liệt sĩ và giúp đỡ hội viên khó khăn, phúng viếng hội viên qua đời 580 triệu đồng...

Cùng với việc tham gia phong trào toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, CCB hiến 22.531m2 đất. Các cấp Hội tín chấp với Ngân hàng CSXH cho 12.329 hộ vay vốn tổng dư nợ 477,6 tỷ đồng, giải quyết được 19.435 lao động, gia đình hội viên CCB; đồng thời quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm của T.Ư Hội 700 triệu đồng, từ nguồn vốn địa phương 26,5 tỷ đồng và quỹ Hội 64,2 tỷ đồng cho hội viên vay để đầu tư phát triển kinh tế.

Điều đáng ghi nhận là các cấp Hội CCB tỉnh Vĩnh Phúc gắn các mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, cũng như các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Thời gian tới, Hội CCB tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần hội viên CCB, quan tâm, giúp đỡ hội viên nghèo, cận nghèo, hội viên khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững; động viên hội viên giúp nhau phát triển sản xuấtgóp phần thiết thực cho sự phát triển KTXH của tỉnh, tham gia có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Hoàng Văn Minh - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Vĩnh Phúc