Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn. Số lượng hội viên CCB của cả tỉnh tính đến tháng 5/2011 là 156.661 hội viên. Tỷ lệ hộ nghèo CCB năm 2007 là 5,52%.

Thực hiện chuyên đề III của TW Hội CCB Việt Nam về phong trào CCB giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; cùng với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cuộc vận động lớn “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “, Hội CCB tỉnh Nghệ An đã ra Nghị quyết chuyên đề về thực hiện chuyên đề III, trong đó xác định: Phát huy ý chí tự lực tự cường, khắc phục tư tưởng bảo thủ, ỷ lại, động viên và tổ chức cho hội viên, CCB tham gia chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với chương trình phát triển kinh tế của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giảm nhanh hộ nghèo, tích cực xóa nhà tranh tre dột nát, tăng nhanh các hộ khá và giàu… Từ phương hướng đó các cấp hội đã chủ động, khắc phục mọi khó khăn, bám sát các chủ trương, chính sách, vận dụng kiến thức khoa học, tận dụng các lợi thế về đất, rừng, ao vườn của từng địa phương, từng gia đình; lồng ghép với các chương trình, các dự án, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, các cấp các ngành, đoàn thể huy động các nguồn vốn để đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Giúp nhau giảm nghèo, xóa nhà tạm

Đây là nhiệm vụ trung tâm, được đặt lên hàng đầu trong phong trào phát triển kinh tế. Các cấp hội đã tổ chức thực hiện từng bước chặt chẽ, làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong hội viên nhằm chuyển biến về nhận thức tư tưởng, đồng thời tổ chức tập huấn học tập kinh nghiệm từ các mô hình điển hình, công tác vay vốn Ngân hàng CSXH, công tác khuyến Nông, khuyến Lâm, khuyến Ngư. Nhờ vậy ý chí vươn lên nhanh chóng thoát nghèo của Hội viên CCB rất cao. Hội đã tổ chức phổ biến, giải thích các chủ trương, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo, các xã miền núi, các dân tộc thiểu số cho cán bộ hội viên CCB như: NQ 30a của Chính phủ, chính sách vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở và cho vay vốn không lãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, học sinh sinh viên v.v. 5 năm qua các cấp Hội đã ký ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH có số dư đến tháng 5/2011 là 796 tỷ 008 triệu đồng; huy động trên 100 tỷ đồng từ quỹ vốn nội bộ cho 39.690 hộ vay, tạo được 42.593 việc làm mới, 18.593 việc làm thêm. Tổ chức hội cơ sở và các chi hội nêu cao tinh thần đồng chí, đồng đội, giúp nhau hướng dẫn về kỷ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giúp nhau về con giống, vật nuôi, phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn được vay do vậy trong 5 năm qua đã xóa được 2.058 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo CCB giảm từ 5,52% (2007) xuống còn 3,75% ( 2010) theo tiêu chí cũ. Phối hợp huy động từ quỹ vì người nghèo ở các cấp, các tổ chức tài trợ như: Báo Sài Gòn Giải Phóng, Bộ quốc Phòng, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển, các nhà hảo tâm … được trên 10 tỷ 896 triệu đồng cùng với sự đóng góp ngày công, vật liệu của hội viên trị giá trên 100 tỷ đồng giúp xóa được 1.430 nhà tạm cho gia đình hội viên CCB.

Giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp.

Trên lĩnh vực thâm canh chuyển đổi cây trồng, các cấp hội đã chú trọng hướng dẫn cho hội viên lựa chọn các loại giống cho năng suất cao, có giá trị kinh tế như giống lúa chất lượng cao, Lạc, Dưa hấu v.v. Xây dựng nhiều cánh đồng 50-60 triệu đồng; nhiều vườn hoa, vườn cây ăn quả cho thu nhập cao. Tiêu biểu như hội viên Phan Văn Hòa ( xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành ) đã đầu tư hàng tỷ đồng nghiên cứu, khảo nghiệm trên 120 bộ giống lúa và sở hữu bản quyền giống lúa chất lượng cao AC5, làm lợi cho hàng ngàn hộ nông dân trong và ngoài tỉnh nhanh chóng thoát nghèo. Ở lĩnh vực chăn nuôi, hội viên CCB đã dày công tìm tòi, học hỏi nâng cao kiến thức chăn nuôi, đầu tư phát triển các loại đặc sản như: Lơn rừng, Nhím, Gà ác, Gà pha chọi, Gà Vịt siêu trứng. Nuôi các loại Ba Ba, cá Lóc, cá Lăng, Tôm, Cua … đưa lại nguồn thu nhập cao, tiêu biểu như các hội viên: Ngô Xuân Đại ( Diễn Trung- Diễn Châu ), Trần Anh Tráng ( An Hòa- Quỳnh Lưu), Nguyễn Công Hoàng, Nguyễn Thế Sơn ( Thị xã Thái Hòa ). Mô hình kinh tế VAC, VAR và các mô hình cây công nghiệp như: Cao su, Cà phê, Cam, Chè, Mía cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Toàn tỉnh Hội có 5.947 mô hình kinh tế có thu nhập trên 150 triệu đồng, trong đó có 2618 trang trại có diện tích từ 2 – 15ha. Tiêu biểu như các hội viên: Trần Ngọc Trung ( Con Cuông ), Nguyễn Văn Luân ( Mường Xén ), Trần Thị Trung ( Tương Dương ), Đinh Văn Minh ( Chương Dương ). Trên các lĩnh vực khai thác chế biến Lâm sản, thủy hải sản, dịch vụ vận tải, thức ăn gia súc, dịch vụ thương mại, xây dựng các làng nghề truyền thống đã phát triển tốt. Toàn tỉnh có 1.678 doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ do hội viên CCB làm giám đốc có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, tạo việc làm cho hàng ngàn con em CCB.

Ở địa bàn các Thị trấn, Thị xã và Thành phố, hội viên CCB, CQN đã biết phát huy thế mạnh, thành lập các Công ty TNHH kinh doanh đa dạng các ngành nghề như: Vật liệu xây dựng, khách sạn, nhà hàng cho thu nhập cao. Nhiều cơ sở ổn định và có thu nhập hàng trăm tỷ đồng như: Cty TNHH Tôn lợp Định Nhàn, Cty Mây tre đan xuất khẩu Thái Đại Phong, Cty TNHH sản xuất kinh doanh VLXD Hoa Thường, Ô tô xe máy của Hoàng Văn Việt, dịch vụ vận tải của Nguyễn Đăng Chung, thu mua xuất khẩu hải sản của Nguyễn Thị Mai v.v.

5 năm qua, với sự nổ lực cố gắng của các cấp hội, sự phấn đấu không ngừng của cán bộ hội viên CCB, CQN, toàn tỉnh đã đạt được mục tiêu giảm nghèo đề ra ( cuối năm 2010 còn 3,75% ); mức sống của CCB ngày càng được nâng cao. Số gia đình CCB khá, giàu tăng từ 57,16% ( năm 2007 ) lên 61,53% ( 2011 ). Số CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã có 10.399 người, cấp huyện 2.291 người, cấp tỉnh 443 người và cấp TW 89 người. Đồng thời đã tham gia làm các công trình kinh tế dân sinh như đào đắp 118.547m3 kênh mương thủy lợi, 1.145 km đường giao thông nông thôn và các công trình khác có giá trị hàng chục tỷ đồng, tạo thêm được trên 89.000 việc làm cho CCB, CQN và con em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Kết quả thu được qua 5 năm thực hiện chuyên đề III của TW Hội CCB Việt Nam ở tỉnh Nghệ An cho thấy đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ban hành kịp thời các chính sách ưu tiên, ưu đãi phù hợp với các vùng nông nghiệp nông thôn, với người nghèo và các đối tượng chính sách. Chuyên đề III ra đời, cùng với sự hồ hởi đón nhận của hội viên CCB, sự nổ lực vươn lên, khắc phục khó khăn của cán bộ, hội viên CCB; sự chỉ đạo điều hành của Thường trực Hội CCB tỉnh và các cơ sở Hội, biến các nội dung của Nghị quyết chuyên đề III của TW Hội trở thành hiện thực, giúp cho hàng ngàn hội viên thoát được nghèo, xây dựng được đời sống khá, phát triển kinh tế vững mạnh, đó cũng là cơ sở để tạo điều kiện cho hội viên củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đi đầu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Hội CCB tỉnh Nghệ An đã bầu chọn được 13 gương mặt CCB tiêu biểu đề nghị cấp trên khen thưởng tổng kết 5 năm làm kinh tế giỏi, gồm các hội viên: Trần Văn Hòa, Nguyễn Văn Quang, Trần Thị Trung, Ngô Xuân Đại, Hoàng Văn Việt, Nguyễn Ngọc Nhĩ, Lê Đức Thìn, Trần Đình Thọ, Phan Thanh Hoàn, Nguyễn Văn Luân, Dương Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Trung và Nguyễn Thủ Thường.

Lê Anh Thi