Anh sinh năm 1949, lớn lên tại chính khu Cầu Đơ 4, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Năm1968, anh nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Về địa phương xây dựng kinh tế gia đình với 49% sức khỏe còn lại, anh lăn lộn trong cuộc sống với đủ các nghề: làm ruộng, phụ nề… để chăm lo cuộc sống gia đình. Anh mộc mạc tâm sự: “Bước ngoặt cuộc đời tôi là năm 2002, cái năm mà tôi cùng 10 CCB phường Hà Cầu bắt đầu khởi nghiệp với số vốn vỏn vẹn 5 triệu đồng để làm nên cơ ngơi một bến xe tĩnh như ngày hôm nay”.

Năm 2000, con đường phụ trợ nối liền quốc lộ 6 tại phường Quang Trung chạy qua khu bãi sậy sình lầy tới khu Cầu Đơ 5 đã được mở xong, nhưng không có người quản lý, nơi đây trở thành tụ điểm cho các tệ nạn xã hội như tiêm chích, mại dâm hoạt động, phát triển. Thực hiện chủ trương của BCH Hội CCB phường Hà Cầu về “CCB làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, sau nhiều đêm trăn trở, anh hoàn chỉnh dự án mở bến xe tĩnh tại khu Bãi Sậy trình lên BCH Hội CCB phường Hà Cầu, với mục đích tận dụng đất sình lầy để phát triển kinh tế, mặt khác quản lý con đường mới mở và khu bãi sậy không để cho tệ nạn xã hội phát triển. Dự án của anh được đã được BCH Hội CCB phường ủng hộ nhiệt tình.

Những ngày đầu khởi nghiệp là những ngày đầy gian khổ, khó khăn. Quân số lúc đầu có 10 đồng chí từ 10 chi hội CCB cử ra do anh chỉ huy. Sau một tháng chỉ còn lại có 6 đồng chí (4 đồng chí vì hoàn cảnh đặc biệt xin nghỉ). Bến xe ban đầu chỉ là một con đường đá rộng 11m, dài 155m. Các CCB vừa trông xe, vừa lao động, san lấp, bắc điện chiếu sáng, vay thêm vốn để đầu tư, khoan giếng, xây bể ngầm để lấy nước cứu hoả và phun chống bụi. Dần dần, bến xe tĩnh đã được mở rộng và khang trang hơn. Từ chỗ chỉ có một ít xe của tư nhân, dần dần bằng uy tín, trách nhiệm, niềm tin, bến được nhiều cơ quan và nhân dân đến gửi xe. Đặc biệt, ngành Thanh tra giao thông và công an các cấp tin tưởng gửi nhiều phương tiện giao thông vi phạm. Trước sự phát triển của bến xe, anh đã vận động UBND phường và HTX nông nghiệp giao thêm đất, nâng diện tích sử dụng của bến lên 4000 m2. Doanh thu của bến mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng.

Qua 9 năm xây dựng, đến nay bến xe đã có 36 CCB, CQN có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân đạt xấp xỉ 2,5 triệu đồng/tháng, nhiều gia đình đã vượt qua nghèo khó. Là một đầu mối nằm trên đất của địa phương, bến xe cũng luôn làm trọn nghĩa vụ và trách nhiệm với quê hương trong những việc làm từ thiện. Mỗi năm, bến xe đã đóng góp trên 200 triệu đồng cho việc công đức xây dựng nhà bia liệt sĩ, di tích lịch sử, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, chương trình “Tết vì người nghèo”…

Không chỉ là một trưởng bến xe tĩnh, anh còn là Uỷ viên BCH Hội CCB phường Hà Cầu, Ủy viên thường trực Hội Doanh nhân CCB Hà Nội, Chủ tịch Hội Doanh nhân quận Hà Đông, là tổ trưởng dân phố khu Cầu Đơ 4 với gần 500 hộ dân và 2.000 nhân khẩu. Anh luôn được sự tín nhiệm của UBND phường và nhân dân trong khu phố, bởi anh nói đi đôi với làm, từng bước xây dựng khu phố phát triển. Năm 2007-2008, khu Cầu Đơ 4 được công nhận là khu phố văn hóa với 95% hộ đạt gia đình văn hóa, 18 hộ là gia đình văn hoá tiêu biểu, trong đó có phần đóng góp của CCB Nguyễn Văn Thốn.

Bài và ảnh: Thanh Trà