Đại biểu Hội CCB Việt Nam và CCB các nước dự Đại hội.

Đại hội lần thứ 29 Liên đoàn CCB thế giới được tổ chức tại Pari - thủ đô Cộng hòa Pháp, từ ngày 16 đến 18-2-2019.

Thời gian ở Pari, tôi có ý định về nước sẽ có ngay bài viết bộc bạch những ấn tượng sâu đậm về hai từ “Hòa bình” gắn với Việt Nam được xướng lên nhiều lần trong chương trình nghị sự Đại hội. Nhưng, lại sợ mang tiếng là “Té nước theo mưa”. Bởi thời điểm Phó chủ tịch Nguyễn Song Phi cùng anh em chúng tôi về đến Nội Bài, thì không chỉ Hà Nội mà cả địa cầu đang “sốt” lên bởi cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều và hai từ “Hòa bình” đang được đặt lên “bàn cân” với bao kỳ vọng!

Như thường lệ, sau một nhiệm kỳ 3 năm, Liên đoàn CCB Thế giới tiến hành Đại hội và mỗi kỳ Đại hội có một chủ đề riêng. Chủ đề của Đại hội 29 là “Vì một thế giới hòa bình” - một nội dung rất thiết thực. Bởi với Việt Nam, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng ngót nửa thế kỷ, đất nước yên bình, dồn sức cho xây dựng, phát triển. Nhưng, đó đây trên hành tinh này, chiến tranh, xung đột…, với đầy đủ sắc màu vẫn là hiện hữu, hoặc đang tiềm ẩn…        

Ấn tượng nhất đối với tôi là trên hết thảy những gì liên quan đến Đại hội kỳ này (tài liệu, màn hình lét) đều đăng, in nổi bật tuyên ngôn bằng tiếng Anh, tạm dịch là: “Không ai nói đầy đủ về Hòa bình như những người đã từng tham gia chiến tranh!”. Hỏi thêm mới biết đó là phát ngôn của ông Ralph Bunche - một chính trị gia ở phương Tây, được tặng giải thưởng Noben vì hòa bình, năm 1950. Chưa hết, trong Lễ khai mạc Đại hội, sau màn chào cờ, Ban Tổ chức đã cho đọc trịnh trọng Điện của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc chào mừng Đại hội, ca ngợi vai trò cùng những đóng góp của Liên đoàn CCB Thế giới cho hòa bình hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc; chống khủng bố, đói nghèo... Thế mới biết vị thế của CCB đối với hòa bình là không nhỏ!

Đoàn đại biểu Hội CCB Việt Nam và Trung tướng Viggo Bergtun - Chủ tịch Liên đoàn CCB Thế giới nhiệm kỳ 2019-2022.

Với chủ đề Hòa bình cho nhân loại và trên tinh thần: Không ai nói đầy đủ về hòa bình hơn các CCB, ngoài việc bầu Ban lãnh đạo mới - Trung tướng (nghỉ hưu) Viggo Bergtun (người Nauy) tái đắc cử Chủ tịch Liên đoàn; Tiến sĩ El. Motafa Ktiri (Cao ủy CCB Marốc) Phó chủ tịch; kết nạp 7 thành viên mới; thảo luận sửa đổi Hiến chương, Điều lệ…, Đại hội kỳ này dành thảo luận sâu về chủ đề CCB tham gia gìn giữ hòa bình; về hòa hợp, hòa giải sau chiến tranh; chống khủng bố, chống phân biệt chủng tộc…

Các đại biểu Hội CCB Việt Nam dự phiên tọa đàm về CCB với hòa bình, hòa hợp, vô cùng cảm kích, tự hào khi bà Eva Lopez (đến từ Trung tâm gìn giữ hòa bình quốc tế Bacxêlôna - Tây Ban Nha) dẫn chương trình và một vài đại biểu khác đã nói đến Việt Nam không chỉ tiến hành chiến tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình cho đất nước mà còn là một mẫu hình về sự hòa hợp, hòa giải sau chiến tranh. Việt Nam đã nhanh chóng khép lại quá khứ, hòa giải, bắt tay với Pháp, với Mỹ để hướng tới tương lai, kiến tạo một đất nước ổn định, phát triển. Minh chứng sống động nhất là chính thời điểm Đại hội 29 Liên đoàn diễn ra thì Hà Nội - Việt Nam được Tổng thống Mỹ chọn làm nơi gặp gỡ Thượng đỉnh Mỹ - Triều bàn về hòa giải, hòa hợp, loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân…

Nghe các diễn giả nói về hòa giải Việt - Mỹ, bất chợt, tôi nhìn sang sát tay phải, cùng bàn là Đoàn đại biểu Hội CCB Mỹ, mới thấy việc sắp xếp Đoàn đại biểu CCB Việt Nam ngồi cùng Đoàn đại biểu CCB Mỹ là có chủ đích, không hề ngẫu nhiên! Nhìn hai biển hiệu Đoàn CCB Việt Nam và Đoàn CCB Mỹ đặt cạnh nhau thật thú vị!

Minh chứng cho vai trò của CCB trong gìn giữ hòa bình, đại biểu CCB Ucraina - Sergei Samojlow, một cựu sĩ quan mũ nồi xanh lên thuyết trình mô hình “Trường học hòa bình”, để giáo dục ý thức chống chiến tranh xâm lược, gìn giữ hòa bình cho thế hệ trẻ… Nghe cựu sĩ quan (trẻ) này thuyết trình say sưa, tôi ghé tai thì thầm với Trưởng ban Đối ngoại Trần Ngọc Dần và tùy viên Quốc phòng Sứ quán ta tại Pháp - Lê Mạnh Quyền, rằng việc này ta làm “xưa như Diễm” rồi; hàng trăm tổ chức cơ sở Hội CCB Việt Nam có thể đăng đàn rất hay, với các buổi nói chuyện về nỗi đau chiến tranh, các cuộc hành quân về nguồn… hấp dẫn hơn nhiều…

Ấn tượng hơn đối với tôi là bà Erma - Giám đốc Chương trình Chuyển tiếp quốc tế (người Đan Mạch) nhiều lần gặp gỡ Phó chủ tịch Nguyễn Song Phi, đề nghị Hội CCB Việt Nam tham Dự án tập huấn (ToT) của Liên đoàn, do tổ chức V-fonds (Hà Lan) tài trợ. Tham gia Dự án gồm 10 nước, do Liên đoàn chọn (đã có 9 thành viên). Các thành viên tham gia Dự án tổ chức giáo dục, huấn luyện, truyền bá kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực, như: CCB gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột, tái hòa nhập cộng đồng, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giáo dục thế hệ trẻ… Người tham gia vừa là giáo viên, vừa là học viên (của lớp); vừa là huấn luyện viên cho Hội mình sau khóa tập huấn… Bà Erma cứ tha thiết đề nghị Hội CCB Việt Nam tham gia ToT và sắp tới gửi ngay một cựu sĩ quan quân đội có kinh nghiệm, giỏi tiếng Anh tham gia đợt tập huấn của Dự án.

Trong nhiều Nghị quyết mà Đại hội thông qua có Nghị quyết về Hợp tác bảo tồn các ký ức lịch sử giữa các bên tham gia chiến tranh. Nghị quyết này được Tiến sĩ Motafa Ktiri - Cao ủy CCB Marốc, Chủ tịch Hội Hữu nghị Marốc - Việt Nam đề xuất dựa trên cơ sở kinh nghiệm hòa hợp, đoàn kết giữa CCB Marốc và Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam 1945-1954.

Thời gian tọa đàm tại nghị trường có hạn, các đại biểu đăng đàn lại quá say sưa - đúng là nhiệt huyết của CCB thì nơi đâu, quốc gia nào cũng hừng hực! Bởi vậy, ngoài phiên tọa đàm, nhiều đại biểu CCB Pháp, Nga, Nauy, Hà  Lan, Hàn Quốc,… tranh thủ gặp Đoàn ta muốn trao đổi kinh nghiệm xây dựng tổ chức Hội CCB, kinh nghiệm hòa hợp, hòa giải, CCB giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo…

Tôi thầm nghĩ, có thể có những lĩnh vực, kinh nghiệm của chúng ta còn mỏng, hay vì nguyên do chưa cho phép chúng ta “nhập cuộc”, nhưng Kinh nghiệm CCB Việt Nam, Dân tộc Việt Nam tiến hành các cuộc chiến tranh vì một đất nước độc lập, hòa bình, vì một nền hòa bình muôn thuở cho Việt Nam và cho nhân loại, thì chúng ta có quyền tự hào, quảng bá!

Pari - Hà Nội, tháng 2-3/2019

Duy Tường