Dù còn nhiều tranh cãi về động cơ, lợi ích, tác giả “chính chủ” và độ tin cậy, cũng như còn nhiều thông tin cần được làm rõ, thẩm định và khẳng định bởi các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm liên quan, song “Hồ sơ Pa-na-ma” sẽ là một kênh tham khảo và một “đường link” quan trọng dẫn trực tiếp hoặc giúp khu biệt và mở rộng điều tra để phục vụ công tác quản lý thuế và chống các tội phạm kinh tế đối với nhiều quốc gia. Những hoạt động khai thác và ứng phó từ các phía và nhiều chiều đang âm thầm diễn ra. Sắp tới, thế giới sẽ có thể chứng kiến nhiều tin tức sốc phát sinh khác liên quan đến hồ sơ mật bị tiết lộ “khủng” nhất thế giới này-tính cho đến nay...
Một số cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã có động thái quan tâm và hành động cần thiết. Ngay từ ngày 15-2-2012, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã thành lập Tổ hoạt động chuyển giá bên cạnh Tổ quản lý thuế hoạt động khá hiệu quả. Đặc biệt, từ ngày 10-5, Tổng cục Thuế còn thành lập một tổ đặc nhiệm, chuyên trách về “Hồ sơ Pa-na-ma”, nhằm tập trung thu thập thông tin, sử dụng các công cụ hỗ trợ và hệ thống dữ liệu liên quan thực hiện rà soát hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, các báo cáo tài chính, các hồ sơ quyết toán thuế, rà soát phân tích, đánh giá rủi ro trong việc tuân thủ pháp luật về tài chính, về thuế, hải quan của các doanh nghiệp hoặc cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, có đăng ký mã số thuế tại Việt Nam có tên trong “Hồ sơ Pa-na-ma”, mở rộng với các trường hợp có công ty mẹ đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành đặt tại các địa chỉ được mệnh danh là “thiên đường thuế”. Đồng thời, sẽ công bố công khai kết quả rà soát, kết luận cuối cùng và đề xuất hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện các biện pháp xử lý những vi phạm của các tổ chức và cá nhân liên quan phù hợp theo pháp luật quy định trong nước và quốc tế...
Thực tiễn trong nước và thế giới cho thấy, trong bối cảnh tự do hóa và toàn cầu hóa kinh tế, việc thành lập cơ sở ở nước ngoài và thực hiện những giao dịch kinh tế quốc tế giữa các tập đoàn và với các đối tác nước ngoài là bình thường và ngày càng phổ biến, nhằm khai thác tồn tại chênh lệch thuế suất, lợi thế và các ưu đãi quốc tế, tối đa hóa cơ hội và lợi nhuận kinh doanh.
Nhưng các hoạt động này sẽ trở thành phi pháp khi các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp liên kết và cá nhân sử dụng nhiều cách thức luân chuyển dòng vốn qua nhiều công đoạn, quốc gia và công ty con (nhất là công ty có đăng ký khai thuế tại các “thiên đường thuế”), kê khai, hạch toán gian dối, che giấu chi phí, doanh thu và lãi thực, để giảm thu nhập chịu thuế và nghĩa vụ nộp thuế, hoạt động đầu tư và chuyển tiền bất hợp pháp thông qua các kênh phi chính thức, nhằm trốn thuế hoặc rửa tiền, gây thất thu hàng ngàn tỷ USD cho ngân sách của nhiều quốc gia trên thế giới, gây méo mó thị trường và gia tăng sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi, môi trường kinh doanh và cán cân thanh toán quốc gia, cũng như lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp khác…
Thực tế cũng cho thấy, “Hồ sơ Pa-na-ma” chỉ là một trong những ví dụ mới và thông điệp cảnh báo mạnh mẽ nhất khẳng định nguy cơ đã, đang và sẽ tiếp diễn tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, rửa tiền và trốn thuế đáng lên án và cần phải được nghiêm trị.
Bởi vậy, việc lập tức khẳng định những người và tổ chức có tên trong “Hồ sơ Pa-na-ma” đều phạm tội trốn thuế hoặc rửa tiền là vội vã, chưa đủ cơ sở; nhưng sẽ là thiếu sót, lỗ hổng và thiếu trách nhiệm nghiêm trọng trong quản lý nhà nước nếu thờ ơ, bỏ qua nguồn thông tin nóng, không kịp thời chỉ đạo triển khai nghiệp vụ và tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, khai thác các thông tin cần thiết liên quan, tăng cường động lực, năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong chống tội phạm tài chính, chuyển giá bất hợp pháp, chống thất thu ngân sách nhà nước và bảo vệ quyền thu thuế quốc gia nói riêng, trong bảo đảm sự ổn định lành mạnh các hoạt động kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế nói chung.
“Hồ sơ Pa-na-ma” chưa biết bao giờ mới khép lại, nhưng chắc chắn thông điệp cảnh báo quan trọng cho nhân loại mà nó mang lại còn vang mãi; cũng như cho thấy sự lợi hại của thông tin và truyền thông mạng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay…!
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong