Đây chính là yếu tố quan trọng để CCB Đức thành lập nhà máy chế biến lâm sản, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động khuyết tật. Nhà máy còn phối kết hợp với trại giam Hòa Sơn mở một phân xưởng hướng nghiệp cho các phạm nhân làm nghề. Nghĩa cử cao đẹp của một thương binh nặng, có bản chất "Bộ đội Cụ Hồ", CCB Đức đã được đồng đội, nhân dân ghi nhận gọi ông bằng nhiều tên trìu mến "Kiện tướng trồng rừng", "bố Đức", "Hiệp sĩ của những người bất hạnh".

Ngày đầu khởi nghiệp

Trong phòng khách, CCB Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH lâm nghiệp Hải Vân chậm rãi kể: Những ngày khởi nghiệp trồng rừng của ông không mấy thuận lợi cả về đồng vốn và người lao động. Vợ chồng phải vật lộn cải tạo mặt bằng từ những quả đồi bị cỏ dại phủ lấp, đá cục, đá hòn lởm chởm và không phụ công cho đức tính kiên trì, dám nghĩ, dám làm đó, dần dần ông đã gây dựng một diện tích đất trồng rừng với nhiều loại cây bạch đàn, keo lá tràm. Có nguồn cây thu hoạch bán lấy tiền và khi có đồng vốn trong tay, CCB Đức vào TP Hồ Chí Minh học nghề làm ra các sản phẩm ván ép và thùng hộp bao bì. Từ năm 1992 - 1998, khai hoang đất trồng rừng và mở một phân xưởng chế biến nhỏ tại phường Hiệp Hòa (đã bị giải tỏa), đến năm 1999 phải đi thuê mặt bằng để làm cơ sở mới, nay là Công ty TNHH lâm nghiệp Hải Vân, tọa lạc trong khu công nghiệp Hòa Khánh - Đà Nẵng. Đến nay, giá trị sản phẩm ván ép xuất ra thị trường trên 500m3/năm và hơn 10.000 thùng bao bì các loại. Giải quyết việc làm thường xuyên từ 100 đến 120 công nhân là con em CCB, CQN, người khuyết tật; lương tháng bình quân từ 1 đến 2 triệu đồng/người; ngoài ra còn có 100 lao động thời vụ dân địa phương.

Nghĩa tình với những người bất hạnh

Theo chân CCB Đức chúng tôi tham quan công ty. Em Nguyễn Thị Hường, 18 tuổi, bị câm điếc, đang làm công việc dán lại những miếng ván bóc ra từ cây bị rách, bằng ám hiệu từ bàn tay em (bạn gái nói dùm). Cuộc đời em tưởng chừng phải buồn tủi với số phận bất hạnh suốt đời, nhưng thật may là được vào đây làm việc, có lương phụ giúp gia đình và rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, em cảm ơn "bố Đức". Ông Phạm Mãi (tuổi 52) bị bệnh thoái hóa cột sống, teo cơ đi lại khó khăn, tâm sự: Nói đến bệnh này thì ai cũng biết cực khổ khi đi lại, nhưng khi tôi vào đây được bố trí làm những công việc theo khả năng của mình và nếu như không có "tình người như ông Đức" thì tôi chỉ biết ngồi một chỗ phiền muộn với thời gian mà thôi. CCB Nguyễn Văn Đính, cùng với một số CCB đang khuân gỗ và vận hành máy bóc vỏ cây bạch đàn nói: Chúng tôi làm việc ở đây từ 4-6 năm, công việc ổn định, lương từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Điều vui nhất ở đây là hằng năm anh em công nhân được công ty quan tâm (luân phiên) tổ chức đi tham quan du lịch trong nước; các ngày lễ còn mời vợ, chồng, con vào công ty giao lưu văn nghệ; con em học giỏi, gia đình khó khăn được công ty trao tặng quà, hỗ trợ tiền mua đồ dùng sách vở…

Nói về công nhân, ông Nguyễn Văn Đức tâm sự: Đã nhiều người nghi ngờ nói là một doanh nghiệp làm kinh tế mà lại tuyển dụng những đối tượng khuyết tật thì "thật là điều khó hiểu". Nhưng khi các đoàn cán bộ đến kiểm tra nơi ăn chốn ở, nơi làm việc của công nhân, trong đó có cả công nhân khuyết tật, chúng tôi đã được ghi nhận và đánh giá cao về việc làm ý nghĩa này. Hơn thế nữa, cứ mỗi lần ra đường thấy cảnh người khuyết tật bán vé số, hay một người chống nạng khó nhọc đào bới bên thùng rác mà thấy chạnh lòng, tôi đã nhận nhiều người trong số đó vào làm việc, được bố trí đúng với khả năng, trả lương có khuyến khích để động viên người lao động. Tôi cũng kết hợp với trại giam Hòa Sơn, không chỉ hướng nghiệp cho phạm nhân, mà hơn hết là có nhiều phạm nhân sau khi hoàn lương về lại gia đình vì mặc cảm với xã hội, anh em đã tìm đến công ty làm việc. Trong số đó có nhiều cặp thành vợ, thành chồng, chọn nơi này "an cư lập nghiệp", nay đã có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Khi làm ăn thành đạt, niềm vui của vợ chồng và các con tôi đều chung suy nghĩ và hành động là tích cực làm công tác từ thiện, hoạt động tình nghĩa để giúp người nghèo, người khuyết tật và đồng đội, coi đó là nghĩa cử và trách nhiệm của mình đối với xã hội.

Sau cái bắt tay chắc nịch của ông Đức, tôi còn nán lại xem trên tường treo nhiều bằng khen, giấy khen chứng nhận về thành tích của công ty như ủng hộ tiền vào các nguồn quỹ "Vì người nghèo", "Chất độc da cam/đi-ô-xin", xây nhà tình nghĩa, tình thương; ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình bệnh viện, nhà tranh lũ lụt; hỗ trợ nhiều năm liền các suất học cho các học sinh nghèo cô đơn…" và nhiều hoạt động tình nghĩa khác tại địa phương.

Bài và ảnh: Nhân Mùi