Chúng tôi về Quảng Ninh dự Đại hội Hiệp hội doanh nghiệp CCB tỉnh lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2012-2017) khi dư âm của Tuần du lịch Hạ Long vừa diễn ra cảnh và người như rực rỡ hơn, hân hoan và tự hào hơn. Đúng vậy, không tự hào sao được bởi Quảng Ninh là một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận về giá trị thẩm mỹ, địa chất, địa đạo… Nơi đây còn có trung tâm thương mại Móng Cái, là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại đại hội: Quảng Ninh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển KTXH trong tiến trình CNH, HĐH đất nước. Quảng Ninh xếp thứ 5 cả nước về thu ngân sách, năm 2011 đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, lương bình quân lao động trong tỉnh ở các ngành như than, điện, cảng và du lịch đều ở mức cao. Quảng Ninh được như hôm nay chính nhờ sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của toàn dân, của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp CCB, những “Bộ đội Cụ Hồ” đã biết tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để khai thác mặt mạnh của địa phương mình, mỗi người một lĩnh vực, chung tay xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp... Đa ngành, đa nghề, đa tài, đa sắc người kinh doanh trên rừng, người dưới biển, người trụ vững ở đường biên... Lực lượng hiệp hội thật là hùng hậu, ở đây chỉ xin giới thiệu vài gương mặt mà tôi được gặp.

Đi lên từ “ba không”

Đó là anh Bùi Xuân Tờ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp CCB tỉnh Quảng Ninh. Là người con của quê hương Đệ tứ, chiến khu Đông Triều, năm 1972 nhập ngũ là lính biên phòng, bảo vệ quê hương, năm 1988 xuất ngũ. Năm 1993 anh thành lập Công ty TNHH Thái Lan. Ngày đầu gian khó với “ba không” (không vốn, không đất, không nhà), anh lao vào mặt trận không tiếng súng. Không thể nào kể hết những khó khăn mà anh đã trải qua để đến hôm nay từ “3 không” đã đi đến “7 có” (có Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Thái Lan với cơ ngơi rộng, thoáng mát; có dây chuyền công nghệ tự động và bán tự động của Đài Loan, Nhật Bản; có đội ngũ kỹ sư hóa thực phẩm và các kỹ sư chuyên ngành cơ khí, cơ điện, tự động hóa; có 120 lao động với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng; có vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng; có 20 xe vận tải và các thiết bị chuyên dùng phụ trợ và cuối cùng là có sản phẩm, đó là: mỳ ăn liền, cháo ăn liền, thạch rau câu và nước chanh muối được người tiêu dùng ưa thích.

Ông chủ hệ thống khách sạn

Anh Vũ Hồng Văn, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp CCB tỉnh Quảng Ninh tiếp chúng tôi với nụ cười hiền, đôn hậu. Anh nhập ngũ năm 1978, làm nhiệm vụ đặc biệt tại Đồn biên phòng Cô Tô, Quảng Ninh. Năm 1985 ra quân, 19 năm vừa làm công nhân mỏ Hà Lầm, vừa bươn chải đủ nghề để tích luỹ kinh nghiệm và có một số vốn nhất định. Năm 2004, anh quyết định thành lập Công ty CP thương mại Minh Tân, Hạ Long, kinh doanh đa ngành nghề như xây dựng một số phần việc của nhà máy điện, san lấp mặt bằng… Lực lượng lao động của công ty có lúc lên đến hàng ngàn người, được trả lương thoả đáng. Việc kinh doanh khách sạn cũng chính là con mắt tinh đời nhanh nhạy của người làm kinh tế biết khai thác thế mạnh của địa phương, anh đã “đi trước đón đầu” xây dựng hệ thống khách sạn Minh Tân 9 tầng, ở khu đô thị Cao Xanh Hà Khánh C, TP Hạ Long. Mỗi năm, công ty nộp thuế khoảng 20 tỷ đồng và làm tình nghĩa 400-500 triệu đồng. Ai cũng khâm phục anh là người sống ân tình, sâu nặng bởi sống và làm việc ở Quảng Ninh, nhưng quê anh lại ở Minh Tân, Phù Cừ, Hưng Yên, anh đã đặt tên công ty là Công ty CP thương mại Minh Tân để luôn nhớ quê hương, hàng năm về quê làm từ thiện. Bà con ở Quảng Ninh cũng như ở quê mỗi khi gặp anh, luôn tấm tắc khen “Anh Văn vừa có tầm, lại có tâm”.

Anh giám đốc đa năng

CCB Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp, sinh ra và lớn lên tại phường Cộng Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1981, anh rời quân ngũ với nghề sửa chữa cơ khí, cần mẫn chăm chỉ vừa lao động để nuôi sống bản thân, vừa trăn trở tìm ra hướng làm ăn mới. Năm 1991, anh cải tạo 15 ha vườn đồi hoang hóa, tổ chức thành các khu hợp lý, khoa học như: khu rừng cây trồng nhãn, vải, đào, nhót; khu chăn nuôi có lợn rừng, rắn hổ mang, ba ba; 1,7 ha anh làm ao thả cá nhằm tạo nguồn thực phẩm cho gia đình, công nhân; còn một khu đất rộng 4.000m2 trồng sinh vật cảnh, với nhiều giống cây quý hiếm… Tháng 4-2003, anh thành lập Công ty TNHH Bình Khánh, chuyên san lấp mặt bằng, vận tải đường bộ và xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm thiết bị hiện đại. Đây chính là cách làm mới phù hợp với sự phát triển chung của đất nước trong cơ chế thị trường hiện nay. Anh còn xây chợ cho bà con và khu cảng sông… Xuất thân từ nghèo khó, lại được sống trong tình đồng chí, đồng đội nên anh rất quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn, nhất là CCB, con em CCB, hàng năm anh ủng hộ các quỹ nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, xây nhà nghĩa tình và làm từ thiện với số tiền hàng trăm triệu đồng…

Dự hội nghị, nghe, biết sự phát triển của từng doanh nhân CCB, nay lại là sự hợp nhất Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Trần Hanh, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam động viên hiệp hội dù mới thành lập đầy khó khăn bỡ ngỡ, càng phải tìm tòi học hỏi để rút kinh nghiệm thực tiễn. Đồng chí cũng tin tưởng với sự chỉ đạo, giúp đỡ của T.Ư Hội CCB Việt Nam, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các ban ngành cùng sự nỗ lực của BCH Hiệp hội và phẩm chất bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất định không có khó khăn nào mà hiệp hội không vượt qua, xây dựng hiệp hội vững mạnh và tạo đà cho doanh nghiệp CCB phát triển.

Thúy Hương