Đây là thứ thuế đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ; là loại thuế gián thu, tiền thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa và dịch vụ, người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế, người nộp thuế chỉ là người thay thế người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
Nếu một chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ tạm gọi có 3 công đoạn: sản xuất, chế biến, bán cho người tiêu dùng, thì cả 3 công đoạn đó đều bổ sung giá trị cho sản phẩm và mỗi lần bổ sung giá trị cho sản phẩm đều bị đánh thuế VAT.
Vì doanh nghiệp phải đóng thuế bao nhiêu thì đưa thêm vào giá để bán cho ngưới tiêu dùng bấy nhiêu, nên việc tăng thuế từ 10% như hiện nay lên 12% theo như đề nghị của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến những hệ lụy sau:
Hệ lụy đầu tiên dễ nhìn thấy nhất là tăng thuế VAT sẽ đánh vào đời sống của những người nghèo và làm cho đời sống của những người này khó khăn hơn. Hệ lụy này ông Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Sebastian Eckhardt hoặc là “nhìn” với cái nhìn của những nước phát triển, hoặc là cố tình không chia sẻ, mà lập luận ngược lại rằng “các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn và dùng nhiều hàng hóa đắt đỏ hơn nên họ trả phần lớn thuế VAT”
Ông Sebastian Eckhardt còn dẫn chứng ở Việt Nam 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thuế VAT, trong khi 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế VAT. Điều này có nghĩa là “thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo”.
“Thuế cao người nghèo mới có lợi hơn” quả thực là một lập luận rất khó thuyết phục. Nhất là thứ thuế cao đó lại là thuế VAT.
Vấn đề là 20% những người nghèo nhất sẽ phải bỏ bao nhiêu phần trăm thu nhập của mình cho tiêu dùng?; còn 20% những người giàu nhất thì bỏ ra bao nhiêu? Theo T.S Huỳnh Thế Du - Giám đốc đào tạo tại Khoa Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, thì khi nhóm thấp nhất phải nộp khoảng 9% và nhóm cao nhất nộp gần 40% thuế VAT, thì thuế suất trên một đồng thu nhập của nhóm thấp nhất cao hơn 2,6 lần so với nhóm cao nhất. Tăng thuế VAT vì vậy chỉ làm những người nghèo ngày càng nghèo thêm mà thôi. Việc tăng thuế VAT rõ ràng đang đi ngược lại với mục tiêu xóa đói giảm nghèo của nước ta.
Trước phản ứng của dư luận, một vài quan chức Bộ Tài chính cho rằng con cá, mớ rau sẽ không bị đánh thuế VAT, mà đây là những sản phẩm tiêu dùng chính của những người nghèo, nên đời sống của họ sẽ không bị ảnh hưởng!
Xin thưa rằng mớ rau, con cá không phải là một mắt xích độc lập mà nằm trong cả một chuỗi giá trị. Làm sao chúng ta có thể xác định được rằng trong chuỗi giá trị đó có những mắt xích không bị đánh thuế VAT? Ví dụ, chở rau ra chợ bán thì làm sao tránh khỏi thuế VAT đối với xăng dầu?
Hệ lụy thứ hai là, thuế GTGT (cũng như mọi loại thuế khác) làm cho thị trường bị méo mó.
Ai cũng biết giá tăng thì số lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra sẽ bị giảm (giá tăng thì mua giảm). Xin lấy một ví dụ: Mỗi tuần một gia đình nghèo có thể mua được 12 quả trứng cho con. Nhưng do thuế GTGT tăng, quả trứng đội giá thêm lên 0,2% thì họ chỉ còn có thể mua được 10 quả trứng nữa thôi. Trong lúc đó, những người giàu chắc chắn sẽ không ăn thêm 2 quả trứng. Vì vậy, cầu về trứng sẽ giảm 2 quả.
Người sản xuất trứng đứng trước hai lựa chọn, hoặc cắt giảm sản xuất trứng, hoặc giảm giá để bán trứng và chịu lỗ. Về dài hạn, nếu cầu không tăng, thì cắt giảm sản xuất sẽ là điều bắt buộc. Như vậy, thuế GTGT tăng thì sản xuất hoàn toàn có thể giảm.
Xét trên tổng thể, thuế GTGT tăng chưa chắc thu của Nhà nước đã tăng. Đơn giản là vì thuế GTGT đánh vào tiêu dùng mà tiêu dùng thì đang bị giảm. Sự méo mó của thị trường do tăng thuế có thể được khắc phục nhờ hiệu ứng tràn và hiệu quả chi tiêu của Nhà nước. Tuy nhiên, từ những gì mà chúng ta được chiêm nghiệm trên thực tế, không có bất kỳ một sự bảo đảm nào cho một kịch bản như vậy cả!
Từ những phân tích trên, cho chúng ta thấy việc tăng thuế GTGT cần phải được cân nhắc rất kỹ. Nếu ngân sách của Nhà nước đang thiếu hụt, thì điều đầu tiên cần làm là phải nâng cao hiệu quả và cắt giảm chi tiêu hơn tìm cách thu thêm của người dân.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng