Hàng ngàn đời nay, những con sông, những ngôi làng cổ kính vẫn nằm ở đó, nhưng mỗi năm, mỗi tháng qua đi con người lại đắp lên những giá trị văn hóa mới làm cho quê hương ngày càng rực rỡ.

Hôm ấy, nghe tôi nói đến đây thì anh Nguyễn Viết Tư, Chủ tịch Hội CCB huyện Gia Lâm vui lắm. Anh ví dụ ngay rằng, trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, Gia Lâm gồm 22 xã, thị trấn thì có đến một nửa là đơn vị Anh hùng LLVTND, huyện cũng là đơn vị Anh hùng. Với truyền thống ấy, Hội CCB tiếp tục hát mãi khúc quân hành trong thời bình, được thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Chỉ trong bốn năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp Hội lại xuất hiện thêm những nét nhân văn mới. Làm theo Bác về cần kiệm, nghe tin còn hội viên và gia đình chính sách quá khó khăn, 100% số hội viên (gần 7.000 người) đã tiết kiệm chi tiêu, gom góp được hơn 70 triệu đồng, xây tặng bà Nguyễn Thị Ngô (vợ liệt sĩ) ở thôn Đổng Xuyên (Đặng Xá) ngôi nhà tình nghĩa 60 triệu đồng và tặng 31 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 500.000 đồng) cho 31 hội viên và con hội viên bị nhiễm chất độc da cam.

Hội xã Bát Tràng có 197 hội viên của 10 chi hội, sống trong hai làng nghề gốm sứ truyền thống Hà Nội. Từ năm 2008, Hội có phong trào thực hành tiết kiệm giờ công, ngày công, nguyên vật liệu trong sản xuất, chuyển đổi kỹ thuật từ lò nung than sang lò ga để tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. 100% số gia đình hội viên thực hiện không có thuốc lá, giảm ăn uống trong việc cưới, việc tang, tự phân loại rác thải tại nhà, 7 chi hội nhận tự quản 7 đoạn đường cùng nhân dân giữ gìn thông thoáng, sạch sẽ, giảm kinh phí thu dọn hàng ngày. Hội viên Nguyễn Văn Bình, Chi hội 8, tự nghiên cứu, chế tác thành công hai con rồng gốm sứ lớn mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Chi hội thôn Quán Khê (Dương Quang) có 37 hội viên, tự nguyện tham gia lao động 190 ngày công và ủng hộ 1,6 triệu đồng để làm nhà văn hóa và thành lập đội bóng chuyền hơi, vận động bà con xây dựng thôn trở thành “Làng văn hóa” đầu tiên của xã. Anh Nguyễn Văn Dũng, Chi hội trưởng Chi hội 2 Yên Mỹ, nhặt được một túi xách có nhiều giấy tờ quan trọng và hàng chục triệu đồng tiền séc, tự nguyện trả lại người đánh rơi.

Hội viên Nguyễn Văn Luận, Bí thư chi bộ thôn 5 (Đông Dư) tâm sự: Ở nơi anh, mỗi đảng viên. hội viên tự đăng ký 2 hoặc 3 việc làm theo Bác. Cán bộ đương chức thì đi họp đúng thời gian, tiết kiệm kinh phí, điện nước, người làm nông nghiệp tiết kiệm cây con giống, phân bón, vật tư, luân canh tăng vụ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi... Trước kia cải bẹ Đông Dư đã nổi tiếng khắp vùng, bốn năm qua có “tập đoàn rau gia vị” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, với 19 loại rau, củ, quả như rau thơm, bắp cải, su hào, nhãn, táo, roi, ổi bốn mùa, cà chua trái vụ... thu nhập cao, tạo nên cuộc sống ổn định, văn minh của mỗi thôn làng...

Về với đời thường, bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn tỏa sáng, được Đảng tin, dân mến. Qua đại hội Đảng ở các cơ sở, Hội CCB Gia Lâm có 1.219 hội viên là đại biểu, 55 đồng chí được bầu vào cấp ủy, trong đó 11 hội viên giữ chức Bí thư Đảng ủy. Đại hội Đảng bộ huyện có 35 đại biểu là hội viên CCB, 10 đồng chí được bầu vào BCH Đảng bộ huyện, 2 đồng chí giữ chức Phó bí thư.

Bài và ảnh: Xương Giang