Doanh nhân CCB Nguyễn Thị Cải (bên phải) và con gái Nguyễn Thị Vinh tại Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

14 năm trước - ngày 20-12-2007, doanh nhân, CCB Nguyễn Thị Cải - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CPTM Thái Hưng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội CCB Việt Nam Khóa III, vinh dự được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, thì năm 2022, con gái bà - doanh nhân Nguyễn Thị Vinh - Tổng giám đốc Công ty CPTM Thái Hưng tiếp nối truyền thống của mẹ cũng nhận giải thưởng này. Họ thực sự là hai “bông hồng thép” thật ngưỡng mộ. Và năm nay, bà Nguyễn Thị Vinh vinh dự được Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên bầu là đại biểu dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

Hơn 1/4 thế kỷ, Công ty CPTM Thái Hưng được biết đến là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Thái Nguyên, chuyên kinh doanh về lĩnh vực thép. Nhiều năm gần đây, Thái Hưng luôn nằm trong Top đầu về doanh thu và nộp ngân sách nhà nước của địa phương... Đằng sau hành trình dài 29 năm từ một cửa hàng kim khí nhỏ bé trở thành “thế lực” của ngành thép là bóng dáng của hai người phụ nữ có vai trò đặc biệt trong sáng lập, điều hành Công ty là CCB Nguyễn Thị Cải và con gái Nguyễn Thị Vinh.

Giống như quy trình sản xuất thép, một loại quặng tốt đến mấy nhưng cũng phải trải qua nhiều công đoạn rồi mới ra được thành phẩm. Hai nữ Tổng giám đốc của Công ty Thái Hưng cũng vậy, họ là những người phụ nữ trí tuệ, tài năng lại được tôi luyện trong môi trường Quân đội khiến cho bản lĩnh, ý chí ngày càng trở nên cứng hơn cả thép.

CCB Nguyễn Thị Cải tại Đại hội Hội CCB Công ty CPTM Thái Hưng, tháng 12-2021.

Năm 1993, cửa hàng kinh doanh dịch vụ kim khí ở tỉnh Bắc Thái được khai trương, với 9 con người, 82 triệu đồng và một gian nhà 32m2, bà Nguyễn Thị Cải cùng chồng, con gái Nguyễn Thị Vinh và con rể đã khởi nghiệp. Vốn xuất thân từ một vùng quê địa linh nhân kiệt (Chí Linh, Hải Dương), cộng với bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ và thâm niên công tác trong ngành kim khí, bà Nguyễn Thị Cải mạnh dạn mở những lối đi riêng cho doanh nghiệp ngay từ ngày đầu. Với sự đồng lòng của chồng và các con, chỉ sau 10 năm từ cửa hàng bán lẻ, năm 2003, Thái Hưng chuyển đổi thành Công ty cổ phần, doanh thu đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, CCB Nguyễn Thị Cải nói rất gọn: “Phải dám nghĩ, dám làm và giữ đạo đức kinh doanh, có trách nhiệm với xã hội”.

Như giúp tôi hiểu thêm, bà nhấn mạnh đến vế đạo đức kinh doanh. Theo bà thì phải trung thực, thật thà, hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp và đối tác. Từ việc nhỏ đến lớn đều phải đúng, đủ, tạo niềm tin với khách hàng.

Năm 2007, Tổng giám đốc Công ty CPTM Thái Hưng - Nguyễn Thị Cải vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, vợ chồng bà quyết định “gác kiếm” bàn giao cương vị Tổng giám đốc Công ty CPTM Thái Hưng cho con gái Nguyễn Thị Vinh.  

Trên cương vị “thuyền trưởng con tàu” Thái Hưng, bà Vinh đã phát huy được những giá trị nền tảng của thế hệ đi trước vun đắp, tiếp tục mở mang, phát triển doanh nghiệp đạt nhiều thành tựu ấn tượng, với nhiều ngành nghề, quy mô lớn hơn; doanh thu giai đoạn 2015-2020 đạt xấp xỉ 16.000 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng... Đáng chú ý, Thái Hưng lúc này không chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp thương mại thép và vận tải nữa, Công ty đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng mở thêm ngành nghề bất động sản và giáo dục. 2 năm qua, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Thái Hưng vẫn trụ vững và có nhiều kết quả kinh doanh bất ngờ, tiếp tục giữ vị thế Top 500 doanh nghiệp lớn nhất cả nước.

Nối tiếp truyền thống của mẹ, bà Nguyễn Thị Vinh được Hội LHPN Việt Nam trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021. Trước đó, năm 2011, bà Vinh được bình chọn là một trong 15 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam. Năm 2019, bà nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu như: Huân chương Lao động hạng ba, Top 10 doanh nhân ASEAN tiêu biểu, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu…

Là người phụ nữ thành đạt và không kém phần nổi tiếng nhưng khi nói về mình, bà Nguyễn Thị Vinh dung dị nói: “Mỗi khi nhận được sự tôn vinh từ những giải thưởng, bình chọn, với tôi đó là vinh dự nhưng cũng là một áp lực rất lớn. Áp lực từ việc giữ được và phát huy nó để xứng đáng với cái mình đã nhận được. Những người phụ nữ phải dám vượt qua những rào cản của xã hội, theo đuổi điều mình mong muốn”.

Khép lại câu chuyện, bà Vinh nói từ sâu thẳm lòng mình: “Con đường thành công của mỗi người đều nhờ có người thầy dẫn dắt. Tôi cảm thấy mình may mắn có sự sắp đặt rất rõ ràng khi được sinh ra trong một gia đình có cha, mẹ vừa là người thầy, vừa là đồng nghiệp, vừa là ông chủ. Đặc biệt, mẹ tôi dìu dắt chúng tôi từ những việc nhỏ nhất… Ngẫm lại tôi càng thấy sự thấu hiểu, cảm thông từ phía gia đình chính là chìa khoá để người phụ nữ giải quyết tốt bài toán công tư vẹn toàn. Tôi luôn cân bằng mình ở vị trí hài hoà nhất - nếu như không muốn nói gia đình với tôi là số 1”.

Đúng vậy, tình yêu đất thép và chất “thép” trong tư duy, bản lĩnh chính là những điều giúp “hai bông hồng thép” viết nên câu chuyện để chúng ta suy ngẫm về khởi nghiệp, đổi mới và thành công; cũng là câu chuyện của những thế hệ người Việt Nam nói chung, những phụ nữ nói riêng luôn nối tiếp khát vọng đi tới, vươn lên vượt qua khó khăn, gian khổ, khẳng định mình và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lê Minh Anh