2 đối tượng Lê Thị Hạnh ( SN 1994 ) ở Quỳnh Xuân, Quỳnh Lưu, Nghệ An và Trần Thị Ngọc ( SN 1998 ) ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vừa bị công an huyện Kỳ Anh bắt giữ về việc tuyên truyền “Hội thánh Đức Chúa Trời"
Tỉnh Hà Tĩnh có 02 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo với khoảng 183.000 tín đồ, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh. Ngoài ra, còn có một số ít tín đồ theo đạo Tin Lành và hàng ngàn người theo các tín ngưỡng bản địa, tín ngưỡng dân gian.
Thời gian qua, hoạt động tôn giáo trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật, đồng bào theo đạo “sống tốt đời đẹp đạo, kính chúa yêu nước”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”. Nhìn chung, chức sắc, chức việc, đồng bào và các tổ chức tôn giáo trong tỉnh yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hòa nhập với cộng đồng, có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động của các tôn giáo chính thống, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số “hiện tượng tôn giáo mới”, hoạt động vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Như Tà đạo Chân không, xuất hiện trên địa bàn năm 1987, đến năm 1990 hoạt động mạnh, có khoảng hơn 370 tín đồ, do Lưu Văn Ty (quê ở xóm Thanh Phú, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh) đứng đầu lôi kéo, tập hợp lực lượng. Đạo Chân không quan niệm, “chân không” nghĩa là không có gì cả, chỉ có chân đạp đất, đầu đội trời và thờ mẹ bề trên. Người theo tà đạo này phải chặt hết cây vườn, ngủ nhà vòm, trai gái tự do sinh hoạt theo kiểu nguyên thuỷ, khi hành đạo tổ chức đốt thịt, mì tôm, quần áo mặc trên người để xông khói hoặc thả xuống sông để kiếp sau nhận. Lưu Văn Ty đã bị các cơ quan chức năng Hà Tĩnh bắt giam nhiều lần với tội danh hành nghề mê tín dị đoan, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay, tà đạo này vẫn lén lút hoạt động. Mục đích, sử dụng tà đạo để mê hoặc con người, làm cho con người quên hết mọi mục tiêu lý tưởng, phẩm chất giá trị, thuần phong mỹ tục.
Hoạt động của “ Hội thánh Đức Chúa Trời “
Đáng quan ngại trong thời gian gần đây, trên địa bàn xuất hiện hoạt động của nhóm gọi là “Hội thánh của Đức Chúa Trời” ( gọi tắt là Hội thánh). Tổ chức này có biểu hiện cưỡng ép người theo đạo, mê tín dị đoan, lợi dụng giáo lý trục lợi cá nhân…Theo báo cáo của Công an Hà Tĩnh, "Hội thánh của Đức Chúa Trời” xuất hiện ở Hà Tĩnh từ tháng 5/2016, bắt nguồn từ một nhóm người ở các tỉnh phía Bắc do Thiều Văn Hoan, sinh năm 1986, quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An làm nhóm trưởng vào thuê trọ tại các địa điểm khác nhau ở thành phố Hà Tĩnh dưới vỏ bọc là nhân viên kinh doanh, tiếp thị để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia. Nhiều trường hợp nhẹ dạ, cả tin đã bị các đối tượng dụ dỗ tin theo.
Đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 55 người theo "Hội thánh của Đức Chúa Trời”, trong đó có 38 trường hợp là người Hà Tĩnh (số còn lại là người ở các tỉnh phía Bắc vào tuyên truyền), trong đó có 08 người đang đi làm ăn, đi học ở các địa phương khác bị rủ rê, lôi kéo. Đáng chú ý có 02 trường hợp là sinh viên, 01 học sinh phổ thông (sinh năm 2002) và 2 hưu trí.
Theo phản ánh của một số người dân có người thân tham gia Hội thánh, hệ lụy của người tham gia Hội thánh đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền của, bỏ bê công việc, thậm chí làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, sống không có tình thân, xa lánh tất cả mọi người, gây tổn hại cả về vật chất lẫn tinh thần. Như trường hợp người phụ nữ ở xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà bỏ chồng và 3 con thơ dại đi theo Hội thánh, có sinh viên ở huyện Cẩm Xuyên đã bỏ học để theo Hội, hay người có thai tự uống thuốc dẫn đến thai bị chết lưu…
Chủ động tuyên truyền, ngăn chặn hoạt động của “ Hội thánh Đức Chúa Trời “
Trước sự hoạt động của nhóm gọi là “Hội thánh của Đức Chúa trời”, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc và triển khai các biện pháp để ngăn chặn, cụ thể: Ban Tôn giáo Chính phủ kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với các hoạt động lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền về ngày tận thế, sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống, gia đình. Hệ thống báo cáo viên Tỉnh ủy và các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng về cách thức hoạt động của Hội thánh, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân. Lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng, tập trung đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng. Từ tháng 5/2016 đến nay, đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 13 vụ/84 lượt đối tượng tuyên truyền về Hội thánh, thu giữ hơn 170 tài liệu liên quan, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 06 đối tượng. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thông qua các hội nghị, qua mạng xã hội định hướng tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên đề cao cảnh giác, không tham gia vào tổ chức Hội thánh.
Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi các Hội cơ sở nhằm chủ động nắm bắt tình hình, quán triệt đến tận cán bộ hội viên hiểu đúng bản chất của cái gọi là “ Hội thánh Đức Chúa Trời “, kịp thời tuyên truyền sâu rộng trong bà con nhân dân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng dụ dỗ, lôi kéo con em các gia đình vào Hội thánh, cùng chính quyền địa phương bảo đảm tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
“Hội thánh của Đức Chúa Trời” là tổ chức chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận, phần lớn hoạt động phi pháp, đi ngược với thuần phong mỹ tục, gây bức xúc trong quần chúng Nhân dân. Tuyên truyền trái phép thứ “đạo” này là hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Việc lựa chọn tôn giáo là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người dân. Tuy nhiên, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, tỉnh táo, đề cao cảnh giác để không bị lôi kéo vào “Hội thánh”, tránh gây ra hệ lụy khôn lường.

Lê Anh Thi