Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô có 92 tuyến, gồm 72 tuyến có trợ giá (trong đó có 57 tuyến buýt đặt hàng, 15 tuyến đấu thầu), 12 tuyến không trợ giá và 8 tuyến buýt cận kề. Tổng chiều dài tuyến gần 1.913,6km vận hành trên 11.272 lượt/ngày, vận chuyển trên 1,17 triệu lượt khách/ngày. Trong 5 tháng đầu năm 2016, vận chuyển 177,5 triệu lượt hành khách (đạt 95% kế hoạch). Mạng lưới tuyến tiếp tục được mở rộng, cải thiện, hợp lý hóa với 35 lần điều chỉnh đối với 24 tuyến. Trong đó do tổ chức giao thông, hợp lý hóa mạng lưới là 32 lần; điều chỉnh mở rộng vùng phục vụ đối với 3 tuyến tiếp tục vươn tới các khu dân cư xã Tân Dân, Phú Túc thuộc huyện Phú Xuyên; KCN Quang Minh… chuyển đổi mô hình quản lý đối với 10 tuyến từ 1-4-2016.
Hạ tầng xe buýt có nhiều biến động nhưng vẫn đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân. Đó là quan tâm đầu tư và phát triển với hơn 2.214 lượt duy tu duy trì pano, biển báo với kinh phí 2,8 tỉ đồng. Thực hiện đấu nối điện chiếu sáng vào hệ thống nhà chờ xe buýt cho 163 nhà chờ và 5 điểm trung chuyển. Với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ gồm trên 2.245 điểm dừng, gần 364 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 79 điểm đầu cuối, 1 làn dành riêng đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, tiếp tục tăng cường một bước về quản lý hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải đã bàn giao 364 nhà chờ về Tổng công ty Vận tải thống nhất quản lý. Đoàn phương tiện được quan tâm đầu tư đổi mới chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, tăng cường chất lượng. Hiện nay tổng số phương tiện xe buýt trợ giá là 1.221 xe, phương tiện xe buýt lớn chiếm 37% (456 xe); buýt trung bình chiếm 60% (728 xe); buýt nhỏ chiến 3% (37 xe)... Hình thành một đoàn phương tiện đạt tiêu chuẩn buýt đô thị thân thiện môi trường, 100% xe có điều hòa và lắp thiết bị giám sát hành trình.
Chất lượng phục vụ của xe buýt có nhiều chuyển biến tích cực, số vi phạm đã giảm 19,5% so với cùng kỳ 2015 (trong đó vi phạm về doanh thu giảm tới 30%). Hiện tượng bỏ tuyến lượt giảm từ 480 lượt năm tháng đầu năm 2015, còn 364 lượt trong 5 tháng đầu năm 2016. Tình hình trật tự an ninh trên xe buýt được duy trì tốt hơn, hiện tượng trộm cắp, móc túi, càn quấy trên xe và tại điểm dừng đỗ đã giảm thiểu rõ rệt, văn hóa văn minh xe buýt tiếp tục được tăng cường.
Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, qua phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm đã bắt giữ 11 vụ với 11 đối tượng trộm cắp, móc túi trên xe và tại các điểm dừng xe buýt. Ngoài ra, các tổ công tác cũng phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng có hành vi quấy rối, sàm sỡ hành khách, bước đầu tạo sự an tâm và môi trường an toàn cho hành khách đi xe buýt. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập đang tồn tại: Chất lượng dịch vụ của xe buýt giảm do phương tiện cá nhân tăng 10% (ô tô 300.000 xe, tăng 10%; xe máy 5,5 triệu xe, tăng 6%). Việc thi công các công trình trọng điểm của thành phố tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động vận hành của xe buýt và khả năng tiếp cận xe buýt của hành khách. Chất lượng dịch vụ có mặt chưa đáp ứng hết yêu cầu của đông đảo hành khách. Trong số 369 biên bản vi phạm có 147 biên bản về lỗi doanh thu chiếm 40% tổng số vi phạm. Ngoài ra vẫn còn vi phạm về dừng đỗ (66 biên bản, chiếm 18%).
Trả lời câu hỏi của phòng viên, ông Hà Huy Quang cho biết: Thời gian tới vẫn phải coi xe buýt là phương tiện chủ lực để giải quyết vận tải công cộng. Sở Giao thông Vận tải đang xem lại đơn giá và định mức, thay đổi cách quản lý sao cho tăng được đầu xe buýt và tăng thêm các tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại bằng xe buýt. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành khác xây dựng đề án thành lập cơ quan riêng để quản lý giao thông công cộng, dự kiến trong quý III/2016 sẽ trình UBND thành phố.
An Hà