1. Về nội dung: Cả hai điều 35 và 63 của Dự thảo đều được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Điều 67 của Hiến pháp năm 1992. Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng được thể hiện là đưa vấn đề an sinh xã hội vào các điều nói trên. Do khái niệm “an sinh xã hội” lần đầu tiên xuất hiện trong đạo luật gốc nên nhiều người còn bỡ ngỡ, chưa hiểu hết nội hàm của khái niệm này. Cho đến nay, do tính chất phức tạp và đa dạng của an sinh xã hội nên trong giới khoa học vẫn còn nhiều nhận thức khác nhau. Khái niệm về an sinh xã hội cũng còn khá khác biệt giữa các quốc gia. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) “An sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con”. Từ khái niệm trên cho thấy, về mặt bản chất, an sinh xã hội là góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội; phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng và mục đích là tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội. Vì vậy, nói đến an sinh xã hội là nói đến vấn đề mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Hệ thống an sinh xã hội được xây dựng có sự khác nhau giữa các quốc gia trên thế giới. Những cơ chế chủ yếu của nó bao gồm: bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, các chế độ trợ cấp từ quỹ công cộng, các chế độ trợ cấp gia đình, các quỹ dự phòng, sự bảo vệ do người sử dụng lao động cung cấp, các dịch vụ liên quan đến an sinh xã hội.

Từ phân tích trên tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét nên cụ thể hoá nội hàm của khái niệm “an sinh xã hội”, sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện tại và tương lai. Việc quy định quá ngắn gọn, chung chung như Điều 35 Dự thảo, tôi e rằng quy định này khó có thể thực thi và phát sinh vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Đối với quy định tại Khoản 1 Điều 63 Dự thảo, nếu Việt Nam tuân thủ khái niệm về an sinh xã hội do Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đề xuất như nêu trên thì còn nhiều đối tượng đáng được hưởng chính sách an sinh xã hội nhưng chưa có trong quy định.

Về chế độ ưu đãi đối với người có công với nước: Nếu như Điều 67 Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định 3 đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước là: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ thì Điều 63 của Dự thảo quy định mọi đối tượng là người có công với nước đều được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đây là điểm tiến bộ rất đáng ghi nhận so với Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn về tính khả thi của quy định này; bởi theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người có công với cách mạng gồm 12 đối tượng sau: “Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; liệt sĩ; bà mẹ VNAH; anh hùng LLVTND; anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng”. Chế độ ưu đãi đối với từng đối tượng này được quy định trong Pháp lệnh cũng có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, để đảm bảo tính khả thi của chế định này, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ “tương xứng với công lao của họ” vào Khoản 2, Điều 63 của Dự thảo. Có như vậy thì khi thực hiện nội dụng hiến định này, Nhà nước sẽ căn cứ vào mức độ công lao, sự đóng góp của mỗi đối tượng để xác định chế độ ưu đãi. Nội dung Khoản 2, Điều 63 như sau: “Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước tương xứng với đóng góp của họ”.

  1. Về cấu trúc: Tại nhiều điều của Chương II của Dự thảo được cấu trúc theo nguyên tắc: Sau phần quy định về quyền công dân đến phần quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm, bảo hộ hoặc tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, nghiên cứu nội dung các điều 35 và 63 của Dự thảo tôi thấy vấn đề an sinh xã hội được thể hiện ở cả hai điều nói trên. Điều 35, Chương II quy định về quyền của công dân được bảo đảm an sinh xã hội, còn Điều 63, Chương III quy định về trách nhiệm của Nhà nước phải phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững. Cơ cấu như vậy theo tôi là không lôgíc, thiếu tập trung và có phần trùng lắp. Vì vậy, tôi đề nghị chuyển Khoản 1, Điều 63 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện an sinh xã hội sang Điều 35, sau phần quy định về quyền của công dân được bảo đảm an sinh xã cho phù hợp với nguyên tắc cấu trúc chung, đảm bảo tính lôgíc và thuận tiện khi áp dụng. Nội dung Điều 63 chỉ quy định về việc Nhà nước và xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước. Ngoài ra, tôi đề nghị bổ sung vào Điều 63 chính sách khen thưởng đối với tập thể có công với nước như Luật Thi đua, khen thưởng đã quy định.

Nguyễn Trượng (Ban Pháp luật, Hội CCB Việt Nam)