Nghiên cứu Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tôi thấy Đảng ta đã nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, yếu kém của công tác giáo dục, đào tạo, như: “Chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề cải thiện còn chậm; thiếu lao động chất lượng cao. Hệ thống giáo dục còn thiếu tính liên thông, chưa thật hợp lý và thiếu đồng bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu... Khoa học, công nghệ chưa thật sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội…”.
Tuy nhiên, có một thực tế mâu thuẫn là: Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng và đánh giá rất cao vị trí của giáo dục, đào tạo, coi “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Và dường như càng những nghị quyết sau này càng nhấn mạnh hơn vai trò quan trọng của giáo dục, đào tạo: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Dự thảo Báo cáo lần này cũng lại khẳng định rõ quyết tâm chính trị: “Phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước”.
Như vậy, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta coi giáo dục-đào tạo là “quốc sách hàng đầu” là rất đúng đắn, nhưng tại sao giáo dục, đào tạo vẫn yếu kém, nếu như không muốn nói có phần ngày càng yếu kém hơn? Có thể nói, hàng mấy thập niên vừa qua nền giáo dục Việt Nam vẫn chưa tìm được hướng đi, vẫn còn lúng túng cả về phương pháp và chiến lược, thậm chí sách giáo khoa cũng chưa định hình, sai sót quá nhiều... Điều đó kéo theo kinh tế-xã hội chưa có bước đột phá vươn lên. Giáo sư Chu Hảo nói thẳng thắn: “Vấn đề của chúng ta là nói hay, nhưng không làm hoặc làm không được bao nhiêu. Chẳng hạn như nói: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng trên thực tế từ khi nêu ra khẩu hiệu ấy cho đến nay thì giáo dục ngày càng ì ạch”. Giáo sư Hoàng Tuỵ cũng nêu rõ: “Từ lâu, giáo dục đã trở thành chỗ nghẽn lớn nhất trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy cải cách giáo dục toàn diện và triệt để theo tinh thần các nghị quyết gần đây của Đảng là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống”.
Theo tôi nguyên nhân chính dẫn đến công tác giáo dục, đào tạo nước ta ngày càng xuống cấp là do “bệnh” hình thức trong quản lý và chính sách giáo dục, đào tạo không theo kịp đòi hỏi khách quan của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tìm ra giải pháp để khắc phục yếu kém là vấn đề mấu chốt cần được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thảo luận và có phương hướng chính xác để khắc phục trì trệ trong giáo dục, đào tạo, làm cơ sở cho đất nước thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình thấp như hiện nay. Bởi vì, giáo dục, đào tạo có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhiều nước trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục-đào tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Chúng ta hy vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ không thể chỉ “nói hay” trong văn kiện mà sẽ có những quyết sách mới về giáo dục-đào tạo để tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế-xã hội phát triển.
Nguyễn Hồng Nam
(phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội)