Nếu dẫn chứng “bệnh thành tích” trong học tập của nền giáo dục nước ta thì chắc phải nhiều nhiều kỳ báo mới liệt kê hết được. Ai cũng chê trách, ai cũng kêu ca và ai cũng xót xa khi thấy con trẻ của chúng ta đang căng mình đánh vật với học hành.
Cũng rất nhiều học giả, nhà khoa học, nhà giáo uy tín đưa ra những giải pháp để chống “bệnh thành tích” trong học tập, với nguyện vọng vừa cứu con trẻ, vừa tạo dựng một môi trường dạy và học khoa học. Vì giáo dục mắc bệnh thành tích mãi thế này sẽ tạo ra chất lượng nguồn nhân lực ảo. Đó là chưa nói “bệnh thành tích” khiến thầy và trò dễ bị ảo tưởng, lừa lọc.
Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh dối trá đó cũng đã được chỉ ra, nhưng sự thật là “người nói cứ nói, người làm cứ làm” - trên bảo lỗi do dưới, dưới bảo lỗi do trên. Tình hình đã đến lúc phải có những giải pháp căn cơ hơn, “trúng” hơn mới hy vọng chữa được “bệnh thành tích” trong dạy và học ở nước ta.
Muôn thuở, vẫn cứ phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức. Không phải tất cả, nhưng số đông trong chúng ta tuy thuộc câu nói “học để làm người”, nhưng người học như thế nào thì không phải ai cũng biết. Có một sự thật được chứng minh trên cơ sở khoa học là con người ta sinh ra không ai giống ai, nhưng số đông là người bình thường; mỗi người có một khả năng - thường thì người thiên về khoa học xã hội lại không giỏi về khoa học tự nhiên và ngược lại... Rất ít người giỏi toàn diện.
Chắc Ngành Giáo dục không ai “cãi” điều trên. Vậy sao Ngành Giáo dục không những không “tuýt còi” còn khuyến khích, biểu dương những trường, lớp có 100% học sinh giỏi; sao không đặt ra chỉ tiêu giáo viên giỏi toàn diện để thi thố? Thiết nghĩ, nhiệm vụ quan trọng nhất của bậc học phổ thông là nhà trường giúp gia đình, xã hội phát hiện ra năng khiếu, sở trường, sở đoản của từng em học sinh, để định hướng đúng cho các em chọn nghề đào tạo tiếp vào đời.
Đây rõ ràng là việc hoàn toàn không khó. Nhưng phải thống nhất làm từ ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Làm thôi, để cứu tương lai nước nhà.
Huy Thiêm