“Xá lợi tóc Đức Phật” ở chùa Ba Vàng còn chưa hết nóng, thì ngày mùng 8 Tết (17-2-2024) lại diễn ra chuyện “giành manh chiếu cầu may”- hoạt động thu hút nhất của “Lễ hội Đúc Bụt” diễn ra trong 2 ngày 8, 9 tháng Giêng hằng năm ở đình Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, tuy với mục đích ôn lại công đức của Ngọc Kinh công chúa!

Năm nay có tới hàng nghìn người cả nam, cả nữ mà số đông là thanh niên, tuổi trung niên, có cả nhiều trẻ em, đến chen lấn, vật lộn, giành giật những sợi chiếu qua khe cửa trong lễ hội - với tương truyền, ai “cướp” được sợi chiếu thì gặp nhiều may mắn, nhất là cầu sinh con trai (!).

Hình thức đúc Bụt sống: Làng chọn ba thanh niên “đóng vai” Bụt sống đưa ra tắm ở giếng làng; cởi trần, ra ruộng đắp bùn lên khắp người rồi được dân làng vây kín hộ tống nghiêm ngặt, đưa vào giữa sân đình, chụp chiếu cói lên đầu “các Bụt” để tế lễ... Sau lễ bái, cúng khấn, mọi người ùa vào giành giật “cướp” manh chiếu đến rách nát - kiếm vài sợi dành cho mình được phận may!

Do quá mất an ninh trật tự, vài năm nay làng cải tiến đưa Bụt vào trong đình để làm lễ, xong Ban Tổ chức xé chiếu đóng vào 300 túi lộc để phát cho mọi người qua khe cửa; nhưng nghe ra sự chen lấn, xô đẩy lại càng căng thẳng hơn, do “túi lộc” thì ít, mà người muốn có túi lộc lại nhiều...

Chuyện chỉ có thế, không hề gắn gì với sử sách lưu truyền về Ngọc Kinh công chúa - một nữ tướng được tương truyền tài ba, trí dũng vẹn toàn, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, ra trận diệt giặc, cứu nước... Cũng chính vì thế mà dường như người đến lễ hội chủ yếu với mục đích “cầu tự; cầu may” chứ chắc chả ai biết Ngọc Kinh công chúa là ai!

Một Lễ hội bị biến tướng đáng tiếc như thế mà chưa thấy chính quyền địa phương khắc phục, các cơ quan quản lý cũng chưa “rung chuông”, thậm chí còn có biểu hiện “quảng cáo, mời gọi khách” rất rầm rộ trên truyền thông; mặc dù năm nay, ngay từ ngày 30-1, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu không để xảy ra hoạt động mê tín, dị đoan, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng...

Huy Thiêm