Lại một vụ đổ cây xanh trong trường gây chết người nữa ở T.P Hồ Chí Minh vừa xảy ra vào khoảng hơn 7 giờ sáng ngày 3-4, làm chết một thiếu phụ 32 tuổi  mang thai tuần thứ 8 và một học sinh lớp 7 bị gãy 1/3 giữa xương đùi trái đang điều trị tại bệnh viện!  

Còn nhớ 3 năm trước, cũng ở T.P Hồ Chí Minh, một cây phượng bị đổ ở Trường THCS Bạch Đằng đè lên 18 học sinh, khiến một em nữ tử vong. Ai chịu trách nhiệm về cây đổ trong trường học? Để trả lời sâu về câu hỏi này xin dành để các cơ quan chuyên môn.

Nhân vụ đổ cây xanh ở T.P Hồ Chí Minh, tôi muốn nói đến nỗi lòng của những gia đình ở T.P Hà Nội, nhất là những hộ mặt phố, đang “khổ” vì cây xanh của thành phố “mọc” không đúng chỗ, như cành xiên vào cửa sổ, nhất là những cây xanh gốc to quá, già quá choán hết cả lối đi.

Chuyện cây xanh phát triển lên không may ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình cũng là chuyện hết sức bình thường. Bình thường hơn là cơ quan quản lý cây xanh khi nhận được đơn phản ảnh của dân thì kịp thời đến kiểm tra xử lý. Thậm chí vì sinh hoạt của người dân, phải di chuyển, hay đốn hạ cây đi, trồng lại cũng là chuyện bình thường.

Nhưng có một tình trạng là để di chuyển, hoặc cắt hạ một cây xanh cũng khá rắc rối, thủ tục hết sức phức tạp, rườm rà; có gia đình phải đề nghị nhiều năm mà cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết cho...  

Khác hẳn với “mất điện, mất nước” trong cơ chế thị trường bây giờ, bất kể ngày hay đêm, nhân viên ngành điện, ngành nước lập tức đến ngay nối thông!

Sao thế? Tôi hỏi, thì có người thạo việc mách: “Ngược lại với đốn hạ, di chuyển cây xanh, điện nước mất thì họ thất thu”. Tôi không tin, nhưng có người mách là muốn nhanh thì phải có tiền “lót tay” - cũng kha khá đấy!

Ờ nhỉ, thế mà tôi không biết! Hóa ra được cây của Công ty Cây xanh thành phố che bóng mát, không may cũng khổ vì cây đấy.

Nhật Huy