Các cấp Hội đã báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các chính sách hỗ trợ đất đai, giống, vốn... để mở trang trại, nhà xưởng...; phối hợp với các ban, ngành đoàn thể tổ chức 2.922 lớp tập huấn cho 125.736 lượt cán bộ, hội viên về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, quản lý kinh tế, xây dựng tổ hợp tác, HTX kiểu mới; các hoạt động về chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được 17 mô hình trình diễn để CCB tham quan, học tập về trồng trọt, chăn nuôi trên 9 huyện, thị do hội viên trực tiếp thực hiện. Mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song các hoạt động kinh tế của hội viên CCB vẫn cơ bản giữ được ổn định, phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả.
Hiện tại tỉnh có có 84 doanh nghiệp do CCB làm giám đốc, tăng 61% so với đầu nhiệm kỳ; thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 5 câu lạc bộ doanh nhân CCB cấp huyện; kinh tế trang trại, gia trại có bước phát triển khá. Số lượng trang trại, gia trại tăng 5,2 lần so với năm 2012. Hiện nay có 229 trang trại, 2.560 gia trại hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp do CCB làm chủ. Thông qua hoạt động của các doanh nghiệp, các HTX, trang trại, gia trại đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no. Sau 5 năm, đời sống hội viên được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo của CCB theo tiêu chí đa chiều còn 4,74%. Đã có 25/277 xã, phường không còn hộ nghèo; gần 1.000 hội viên được sửa chữa, làm mới không phải ở nhà dột nát. Phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi" đã góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, đồng đội, góp phần phát triển KTXH của địa phương và xây dựng Hội trong sạch vững mạnh.
Không những giúp nhau thoát nghèo, giúp nhau làm giàu, Hội CCB các cấp đã vận động hội viên tích cực đóng góp ủng hộ vào các quỹ từ thiện xã hội nhiều tỷ đồng như Quỹ “Vì người nghèo” 2,115 tỷ đồng; “Nạn nhân chất độc da cam” 1,125 tỷ đồng; “Phòng chống thiên tai” 1,427 tỷ đồng; “Khuyến học” 1,23 tỷ đồng... Nhiệm kỳ vừa qua đã có 25 tập thể, 208 cá nhân điển hình tiên tiến đã được các bộ, ngành, T.Ư Hội, UBND tỉnh và các cấp khen thưởng trong thực hiện Phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi".
Trong nhiệm kỳ tới, Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ VI xác định: Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi" lên một bước mới, nhằm cải thiện hơn nữa về việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho hội viên. Phát huy sự năng động, sáng tạo và tiềm năng, ý chí của CCB, khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII. Tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện phong trào một cách có hiệu quả; đột phá vào phát triển kinh tế hộ, gia trại, trang trại theo hướng liên kết thành các tổ hợp tác, HTX, CLB theo ngành, lĩnh vực, sản phầm... để chủ động từ khâu đầu vào cho giống, vốn, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, thú y... và công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch... Phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% năm trở lên để đến năm 2022 cơ bản không còn hộ nghèo; tăng tỷ lệ hộ khá trở lên trên 60%; sửa chữa và xóa hết nhà dột nát cho hội viên.
Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, các cấp Hội bám sát nghị quyết của cấp ủy Đảng, chương trình phát triển KTXH của địa phương; các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, để xây dựng kế hoạch, vận động hội viên thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà phong trào đã đề ra, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ, xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, để mọi hội viên đều có việc làm, có cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần thực hiện: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Tiến Phương - Trưởng Ban Kinh tế Hội CCB tỉnh Phú Thọ