Trụ sở UBND xã nằm trên mấy quả đồi bát úp, ở miền rẻo cao chọn được địa thế như này là cực hiếm. Kế bên là trường học và xa xa phía đỉnh đồi là Đồn Biên phòng Keng Đu. Thị tứ nằm gần xã. Một quần thể chính trị, kinh tế của miền "sơn cước" nhưng khéo sắp đặt - có khu thương mại mới xây được các thương lái dưới xuôi cho xe tải "cõng" hàng từ Vinh lên, từ Hà Nội vào nhập sỉ nên hàng hóa cũng khá sầm uất.
Tên xã Keng Đu được lấy từ tên thác nước và gỗ rừng vùng này, là hai đặc sản của xã. Tiếng Khơ Mú, keng là thác, đu là đinh hương. Bản Keng Đu nằm cạnh thác nước thượng nguồn sông Nậm Nơn; cánh rừng già gỗ đinh hương bạt ngàn và cái tên của xã cũng là cái tên của bản. Khí hậu ở đây một ngày bốn mùa rõ rệt. Tổng diện tích cả xã gần 9000ha rừng tự nhiên, có trên 4.000 nhân khẩu, 25km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào.
Cùng Chủ tịch Hội CCB-Lò Pò Khoa đứng trên đồi sắn của Văn phòng Ủy ban xã, phóng tầm mắt nhìn lên đỉnh Huồi Ling trong mờ sương thấy khói lam các bản của người Lào.
Chủ tịch Khoa cho hay: Hội CCB xã cùng phối hợp tuần tra biên giới với Đồn Biên phòng, hội viên được cử làm công tác tích cực lắm. Cổng trời Hồi Ling là nơi khó khăn nhất, toàn lối mòn, đường tắt, chưa có đường ô tô. Xã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tích cực tuyên truyền, tham gia bảo vệ biên cương, xóa bỏ cây anh túc (thuốc phiện) chống di cư trái phép đó.
Đến nay, đời sống hội viên CCB nói riêng, nhân dân xã Keng Đu nói chung được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ đã biết làm trang trại, phát triển kinh tế đồi rừng, trồng sắn, ngô lai trên đất dốc, chăn nuôi trâu bò hàng hóa để chờ xe thương lái dưới xuôi lên bán kiếm tiền mua sắm, dựng nhà. Các bản làng nơi nào có CCB sinh hoạt, nơi đó có phong trào đi lên vì họ gương mẫu, đi đầu trong xây dựng đời sống, điển hình là các bản Kẹo Sơn, Huồi Phuôn, Huồi Lê. Ở đây nạn tảo hôn cũng giảm hẳn.
Nhiều hội viên mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Rỗi việc mùa vụ lại tranh thủ vào rừng hái lượm măng, mộc nhĩ, cây thuốc nam, mây, tre, cây đót làm chổi, kết hợp ngăn chặn việc phá rừng trái phép và phòng chống cháy rừng.
Thế mạnh của hội viên CCB là đa phần đã qua trận mạc, từng ra khỏi hai cổng trời Huồi Lê và Huồi Ling, tiếp xúc nhiều với “văn minh bên ngoài” nên nhạy bén với cái mới. Vậy nên, từ 90% hộ nghèo, đến nay cả xã giảm còn trên 60% so với trước. Chỉ chờ Nhà nước cho kéo điện vào là cuộc sống sẽ được cải thiện rõ nét.
Lò Pò Khoa chia sẻ thêm: Mấy năm nay được Đảng, Nhà nước, các cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm quan tâm; sự phối hợp nhịp nhàng giữa Đảng ủy, UBND với BĐBP nên xã đã xây dựng được các công trình đường, trường, trạm khang trang.
Bữa cơm tối ấm cúng với đặc sản xôi nếp nương, thịt lợn cắp nách, rượu nút lá chuối. Đông người ăn, chén không đủ nên uống bằng bát xoay vòng. Đêm liên hoan văn nghệ với đống lửa trại kéo dài đến tận khuya; những bản nhạc, vũ điệu vít cong thêm cần rượu, mọi người như quên đi cái lạnh thấu xương miền sơn cước.
Chia tay xã giáp biên miền rẻo cao để về xuôi. Bên hàng rào đá Trường THCS Keng Đu, hoa trạng nguyên nở rộ đỏ thắm khoảng trời biên giới - hoa thắp sáng ước mơ của thầy, trò vùng xa. Một Keng Đu ấm tình biên giới. Lò Pò Khoa đưa tôi mảnh giấy ghi số điện thoại của anh và hẹn, hè này xuống Vinh thế nào cũng đến anh chơi và nhờ đưa đi Cửa Lò, coi cái biển nó thế nào, nghe nói biển to lắm và chỉ có một... bờ.
Tôi cũng ngóng chờ Lò Pò Khoa xuống phố để đưa đồng đội đi thăm các danh lam thắng cảnh. Nhưng chắc anh và Đảng bộ, nhân dân Keng Đu đang bận với bao công việc. Đầu xã, điện cao thế đang được công nhân ngành điện dựng cột, kéo dây. Gió trời miền Tây vẫn ngọt ngào khi sáng ra là mùa xuân, giữa trưa hừng hực nóng, chiều là nét thu se lạnh và đêm là đông về. Keng Đu xã miền viễn tây xứ Nghệ. Bốn mùa trong một ngày đang thời điểm bộn bề công việc.
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Lợi