Trả lời báo chí về sự việc trên, ông Vũ Quốc Doanh - quyền Cục trưởng Thi hành án T.P Hồ Chí Minh - cho biết: Cục Thi hành án dân sự (THADS) đã thụ lý đại án Phạm Công Danh và đồng phạm. Tổng số tiền phải thi hành án là trên 13.000 tỷ đồng - tương đương vụ Huỳnh Thị Huyền Như.
Tài sản kê biên trong vụ án này là rất lớn - khoảng 50 bất động sản ở nhiều tỉnh, thành như Đà Nẵng, Vũng Tàu, Quảng Ngãi... Cục đang thi hành theo phương thức chủ động, tức yêu cầu những người liên quan tự nguyện nộp án phí, những khoản gây tổn thất cho Nhà nước.
Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại T.P Hồ Chí Minhnêu rõ, kể từ ngày Ngân hàng Xây dựng có đơn yêu cầu thi hành án thì buộc Phạm Công Danh phải chịu lãi suất theo quy định. Sau khi nhận được đơn từ ngân hàng này, Cục đã lập tổ thi hành án gồm 7 người - ông Doanh thông tin.
Cũng theo ông Doanh, "Do tính chất phức tạp nên Cục THADS đang chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng cục THADS về việc thi hành theo hướng chủ động hay theo yêu cầu từ ngân hàng".
Cuối tháng 1-2017, TAND Cấp cao tại T.P Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm tuyên y án 30 năm tù đối với Phạm Công Danh. Toà cũng buộc ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải nộp lại hơn 9.000 tỷ đồng gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là số tiền hơn 9.000 tỷ đồng sẽ được thu hồi lại như thế nào, bao giờ được thu hồi hết? Bởi như lời ông Doanh nói, tài sản kê biên trong vụ án này là rất lớn - khoảng 50 bất động sản ở nhiều tỉnh thành, trong đó nhiều bất động sản được “cắm” vào ngân hàng khác vay vốn sẽ được xử lý ra sao khi mà sai phạm không phải bắt nguồn từ những ngân hàng cho vay vốn từ những sổ đỏ mà Phạm Công Danh chỉ đạo thuộc cấp mang đi thế chấp vay vốn.
Đó là một thực tế và liệu lại có chuyện đã về hưu là mọi chuyện phủi tay không?
Hữu Doanh