Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Úc - Anthony Albanese tại Bắc Kinh ngày 6-11.

Nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ gặp nhau tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong tuần này. Trước đó, đầu tháng 11, Thủ tướng Australia - Anthony Albanese cùng với một phái đoàn doanh nhân hùng hậu thăm Bắc Kinh và là Thủ tướng Australia đầu tiên công du Trung Quốc kể từ năm 2016.

Thời gian gần đây, mặc dù Trung Quốc và Mỹ đôi lúc vẫn nổ ra tranh cãi, nhưng nhìn chung xu hướng quan hệ hòa dịu là rất rõ ràng. Về phía Mỹ, để tranh thủ sự tham gia của Trung Quốc tại APEC ở San Francisco vào tháng 11, Washington đã chủ động hạ thấp thái độ trong 6 tháng qua, thể hiện thiện chí, tạo điều kiện để quan hệ Mỹ - Trung thoát đáy. Sau chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ vào tháng 6, một loạt quan chức cấp cao khác của Mỹ cũng đã có các cuộc gặp làm việc với đại diện Bắc Kinh, nổi bật là Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thống đốc bang California…

Những thay đổi từ phía Washington cũng được Bắc Kinh phản ứng theo hướng tích cực. Tờ Nhân dân Nhật báo gần đây đã xuất bản một bài bình luận nhan đề “Thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ thực sự ổn định và cải thiện”. Đây là bài bình luận tích cực nhất về quan hệ Trung - Mỹ do tờ báo này đăng tải trong vài năm qua kể từ khi quan hệ song phương rơi xuống đáy. Vào khoảng thời gian bài báo trên được xuất bản, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác Đối ngoại T.Ư kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị đã đến thăm Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng - Jake Sullivan để mở đường cho việc Bắc Kinh tham dự APEC tại San Francisco. Có quan điểm cho rằng quan hệ Trung - Mỹ đang dần hồi phục, là kết quả của việc Washington điều chỉnh chính sách đối với Bắc Kinh theo từng giai đoạn, cũng như thiện chí và những tương tác tích cực giữa hai bên.

Trong khi đó, Bắc Kinh và Canberra cũng thể hiện thiện chí muốn gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. Chuyến công du Trung Quốc từ ngày 4 đến 7-11 của Thủ tướng Albanese như khẳng định rằng “một mối quan hệ vững chắc” giữa hai nước chỉ “có lợi cho tương lai”. Bên cạnh đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy lãnh đạo hai nước đã nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, vốn từng trở nên căng thẳng hơn dưới thời Thủ tướng Australia - Scott Morrison. Khi đó, Bắc Kinh phản ứng rất “rắn” trước việc Canberra chỉ trích tình hình nhân quyền ở Trung Quốc hoặc kêu gọi điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc Covid-19...

Thế nhưng, những căng thẳng dường như biến mất khi Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình tiếp ông Albanese cùng với lời hứa Trung Quốc và Australia có thể trở thành “những đối tác tin cậy”. Đây là bước tiếp theo trong quá trình cải thiện quan hệ song phương kể từ cuộc gặp giữa ông Tập và ông Albanese hồi tháng 11-2022 tại Bali, Indonesia. Thủ tướng Australia cũng đề nghị Chủ tịch Trung Quốc xóa các hàng rào thuế quan còn lại, kêu gọi “nối lại hoàn toàn giao thương tự do”. Từ đó, Trung Quốc đã lần lượt xóa bỏ hạn chế về nhập khẩu cỏ khô, gỗ, đại mạch và chấp nhận xét lại mức thuế 218% đối với rượu vang Australia...

Nhưng đó thực sự chỉ là chuyển biến theo hướng tích cực hơn về chính trị, ngoại giao và kinh tế. Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, lập trường của phương Tây với Trung Quốc không thay đổi. Ngay tại Bắc Kinh, ông Albanese không úp mở khi tái khẳng định Canberra bảo vệ lợi ích và những giá trị của Australia trong các vấn đề quốc gia. Ông cũng nhắc lại phản đối của Australia đối với mọi ý đồ đơn phương dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng, dù là về Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông, hay bất kỳ nơi nào khác. Trước đó, vào tháng 4, Canberra đã công bố chính sách quốc phòng cứng rắn hơn, đặt ưu tiên vào các lĩnh vực công nghệ, năng lực tấn công hàng hải và tấn công tầm xa trong bối cảnh quan ngại ngày càng lớn trước năng lực quân sự của Trung Quốc được củng cố nhanh chóng. Về mặt quốc tế, Australia thắt chặt hợp tác an ninh với những nước có chung lý tưởng, như Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Canberra cũng là thành viên chủ chốt trong liên minh AUKUS, Nhóm Bộ tứ. Những nhóm này được coi là lực lượng mang tính răn đe trước nguy cơ một cuộc tấn công từ Trung Quốc, hoặc nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong vùng. Quan điểm của Mỹ về các vấn đề này cũng vậy.

Dẫu sao gió đổi chiều lần này cũng tốt. Khi các nước lớn có thể ngồi lại nói chuyện với nhau, nhiều vấn đề hệ trọng cần chung tay của toàn cầu sẽ có thể có hướng giải quyết.

Thanh Huyền