78 năm qua (1945-2023), gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân đoàn kết, đồng lòng thực hiện những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có lĩnh vực bảo đảm và thực thi quyền con người, quyền công dân.

Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế phụ thuộc, hành chính, bao cấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang phát triển có thu nhập trung bình.  

Đặc biệt, năm 2022, mặc dù phải vượt qua những diễn biến rất xấu, khó lường, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được duy trì ổn định, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, được các tổ chức quốc tế lớn, uy tín trên thế giới đánh giá nền kinh tế năng động, sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Với định hướng xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không ngừng được củng cố, phát triển, đã thực sự là nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, phát huy, hình thành nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí, dân chủ hóa đời sống xã hội, sự năng động sáng tạo, tự chủ, tích cực của con người.

Đến năm 2020, Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam đạt 0,704, thuộc nhóm cao trên thế giới. Nhiều phong trào, cuộc vận động văn hóa được tổ chức có sức lan toả sâu rộng trong đời sống, tạo môi trường văn hóa, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”... Việt Nam đã trở thành “Đất nước của những di sản”, với những con người cần cù, thông minh, sáng tạo, hiện đại, thân thiện, là điểm đến của bạn bè quốc tế. Văn hoá thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, là nguồn lực nội sinh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao đời sống xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân.

Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, nhân dân Việt Nam đang là một trong số ít những nước “xóa đói,giảm nghèo” có hiệu quả nhất và có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức tới tận thôn, bản, đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi kinh nghiệm. Cùng với những kết quả trên, chất lượng giáo dục, đào tạo của Việt Nam ngày càng được nâng lên; quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả phương châm và định hướng: “Đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đến nay, Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm cao của 63 tổ chức quốc tế, nhất là của Liên Hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế, đối tác chiến lược và toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, các nước nhóm G7 và G20; được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu rất cao. Năm 2020, Việt Nam hoàn thành tốt vai trò là Chủ tịch ASEAN; có nhiều sáng kiến hữu ích thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội có hiệu quả - được các nước trong khu vực, thế giới đánh giá cao và ủng hộ...

Đặc biệt, Việt Nam đã trúng cử làm Uỷ viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2022-2023 với số phiếu cao. Năm 2022, vượt qua những tác động rủi ro của nền kinh tế và những bất ổn thế giới và khu vực, nền kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng 5,02 và 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm đến của các doanh nghiệp, tổ chức, tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới; được các nhà khoa học, các tổ chức uy tín trên thế giới thừa nhận, Việt Nam là hình mẫu về đối phó với khủng hoảng toàn cầu, trong đó có khủng hoảng về dịch bệnh.

Đó là sự thật khách quan không thể bác bỏ! Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng loà”, là biểu tượng của nhân loại về thực hiện khát vọng độc lập, tự do, thống nhất, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong một thế giới còn nhiều bất ổn.  

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân giành được thành tựu như vậy, chính là do có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; có Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh; có khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc tạo sức mạnh tổng hợp để cùng thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực tiễn đó đã bác bỏ mọi xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Khuất Việt Dũng