Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Giao thông vận tải năm 2024.

Với những ai lâu không vào Đồng bằng sông Cửu Long, hẳn sẽ ngỡ ngàng. Hệ thống đường bộ, nay mai là đường bộ cao tốc sẽ về tới tận Đất mũi. Cảnh phà nhằng nhịt cách đây không lâu đã nhường chỗ cho xa lộ. Nam Bộ - vựa lúa của cả nước, cùng cả nước đang cất cánh.

Hạ tầng đi trước

Chúng ta đã và đang chứng kiến cả đất nước đang là một “công trường” vĩ đại về phát triển hạ tầng giao thông vận tải (GTVT). Hạ tầng GTVT phát triển đến đâu, kinh tế - xã hội phát triển đến đó. Trong “thời đại” giá trị chuỗi, hạ tầng là thành tố quan trọng để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa.

Chính vì thế, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII mới xác định 3 đột phá chiến lược, đó là hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao); xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong điều kiện khó khăn, Đảng và Nhà nước vẫn tập trung nguồn lực cho nhiều dự án trọng điểm quốc gia về GTVT, đáng kể nhất là cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến cao tốc khắp Bắc - Trung - Nam.

Năm 2023, trên “mặt trận” GTVT ghi nhận nhiều “điểm sáng”, nhiều dự án mới được phê duyệt, khởi công mới, cũng như hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến cao tốc, nhà ga hàng không,... Chỉ trong thời gian ngắn, từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, chúng ta đã hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn, từ chuẩn bị đầu tư đến khởi công các tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và ĐBSCL...

“Tư lệnh” Ngành GTVT - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gọi năm 2023 là năm "đột phá về hạ tầng" với việc khởi công 26 dự án; gồm 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025; các dự án cao tốc trục Đông - Tây; vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 T.P Hồ Chí Minh; nhà ga sân bay Long Thành; ga T3 Tân Sơn Nhất...

Đến giữa tháng 12-2023, Bộ GTVT đã hoàn thành 20 dự án hạ tầng giao thông, gồm 17 dự án đường bộ, 1 dự án hàng hải; 2 dự án đường thủy. Trong đó, 9 dự án cao tốc mới hoàn thành gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cầu Mỹ Thuận 2, Tuyên Quang - Phú Thọ.

Trong điều kiện, rất nhiều lĩnh vực cần phải đầu tư, phát triển, nhưng do vị trí của kết cấu hạ hầng giao thông, Bộ GTVT được Thủ tướng giao 94.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao nhất từ trước tới nay và gấp 1,7 lần năm 2022. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ kế hoạch dự kiến sẽ đạt trên 95%.

Với số dự án cao tốc "kỷ lục" được khánh thành trong năm 2023, cả nước đã có thêm 475km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài cao tốc đưa vào khai thác lên 1.892km.

Trong kỳ trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai.

Năm 2024, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án giao thông. Trong đó, việc phấn đấu đưa vào khai thác 2 dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 sẽ nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021km. Đây là con số mơ ước của nhiều nhiệm kỳ trước.

Để có kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại, thông suốt đang cần phát huy giá trị “chỉ tiến không lùi”.

Bài toán hạ tầng “mềm”

Trong quá trình thực hiện các dự án hạ tầng GTVT, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia năm 2023, phải ghi nhận, những nỗ lực về giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề nóng, phức tạp như giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu, phân cấp, ủy quyền đã được kịp thời tháo gỡ... Đó cũng là thành công của “ý Đảng, lòng dân” và đồng thuận xã hội.

Theo dõi kỳ họp Quốc hội cuối năm chúng ta thấy, nhiều đại biểu nêu vấn đề về tốc độ lưu hành trên đường bộ cao tốc và tình trạng dọc đường bộ cao tốc không có trạm dừng nghỉ? “Tư lệnh” Ngành GTVT thừa nhận, các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư đường sá còn hạn chế, nên chưa đáp ứng được kỳ vọng.  

Công bằng mà nói, chúng ta đang ở tình trạng, nguồn lực hạn chế, đầu tư một tuyến đường cao tốc đạt chuẩn phải phân kỳ đầu tư. Do vậy, đường bộ cao tốc Việt Nam (số đã đưa vào khai thác) chưa đạt được tiêu chuẩn Việt Nam, chứ chưa nói so sánh với các nước.

Để có được “mức độ” như hiện nay, Ngành GTVT phải giải quyết nhiều vấn đề, cùng một lúc. Tuy nhiên, không chỉ phải phân kỳ, mà giải phóng mặt bằng mặc dù đã đi sớm một bước nhưng chưa đáp ứng được tiến độ. Câu chuyện cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp còn nhiều gian nan; thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp khó lường; nội lực của các doanh nghiệp gặp nhiều thử thách...

Câu chuyện, tưởng đơn giản nhưng phức tạp, đó là nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu phục vụ cho các dự án hạ tầng giao thông và triển khai thí điểm trên tuyến cao tốc khác, đang đặt ra cấp bách. Cát hút ở các dòng sông mãi cũng hết, thậm chí gây sạt, lở nguy hiểm.

Đối với kết cấu hạ tầng GTVT còn nhiều việc phải làm, ngay từ thể chế pháp luật. Đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc Đối với các dự án cao tốc đã đưa vào khai thác, Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo cơ quan chủ quản đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông thông minh (ITS), trạm dừng nghỉ, thu phí không dừng… nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về thiết kế.

Đối với bất cứ một quốc gia nào, hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) đều phải đi trước một bước, nếu muốn phát triển. Lịch sử đất nước Việt Nam, từ các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước đến nay, đã chứng minh điều đó. Nói cách khác, với bất cứ một quốc gia nào, nhìn vào hạ tầng GTVT, sự đồng bộ, thống nhất của các phương thức vận tải để đánh giá tiềm lực, năng lực phát triển của quốc gia đó.

Tất nhiên, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, hạ tầng là một nội hàm, bao gồm “hạ tầng cứng”, “hạ tầng mềm” chứ không riêng hạ tầng GTVT. Hạ tầng “mềm” còn là năng lực kiến tạo của Chính phủ, hệ thống viễn thông, 4-5G internet, hạ tầng số, văn hóa... của từng quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chỉ đạo nêu ra tinh thần “Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”. Đó là tinh thần "3 ca 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ tiến không lùi"… trên các công trường GTVT hiện nay. Đó cũng là thể hiện của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, trong thời đại mới.

Ngô Đức Hành