Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Luật sư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tham gia giao lưu và trả lời các câu hỏi của bạn đọc.

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Mỹ không chỉ sử dụng các loại vũ khí sát thương mà còn biến Việt Nam thành một phòng “thí nghiệm sống” để nghiên cứu, thử nghiệm các loại hóa chất phục vụ cho quân sự và chiến tranh hóa học. Trong những năm 60-70 của thế kỷ XX, quân Mỹ đã rải hàng nghìn tấn chất độc da cam-chất độc thuộc nhóm 1 - nguy hiểm nhất xuống Việt Nam nhằm tìm ra các căn cứ bí mật của Quân đội Việt Nam. Thành phần chính của nhóm chất độc này là dioxin.

Những hậu quả do hóa chất gây ra không chỉ tác hại đến môi trường sinh thái Việt Nam, mà còn ảnh hưởng rất nặng nề cho sức khỏe con người. Chiến tranh đã lùi xa nhưng thảm họa da cam vẫn còn đó. Nhiều căn bệnh tiềm ẩn, nguy hiểm, có tính di truyền gây ra nhiều dạng bệnh tật, gây đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần cùng nhiều hậu quả, lâu dài cho con người và toàn xã hội. Việc khắc phục thảm họa do cuộc chiến tranh này gây ra không phải một sớm một chiều mà cần có sự nỗ lực bền bỉ và trách nhiệm của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế.

Qua buổi giao lưu, bạn đọc và nhân dân cả nước hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam; những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học.

Chương trình góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thảm họa da cam ở Việt Nam; kêu gọi các nguồn lực xã hội để ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho nạn nhân, hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam./.

Theo Vietnam+